MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bài kiểm tra” đầu tiên dành cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc

16-11-2012 - 12:15 PM | Tài chính quốc tế

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết thực hiện cải cách, tuy nhiên giờ đây hành động thực sự mới là điều được mong đợi.

Công cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc diễn ra vào thời điểm kinh tế thế giới đang trong tình trạng bấp bênh. Châu Âu vẫn đang cố gắng tìm kiếm những giải pháp vốn gây nhiều tranh cãi về mặt chính trị để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng. Trong khi đó, Mỹ đụng phải “vách đá tài khóa”. 

Có vẻ như các nước phát triển sẽ mất nhiều năm để hoàn tất quá trình điều chỉnh, thậm chí là hết thập kỷ này. Đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu chắc chắn sẽ không mạnh mẽ như trong quá khứ. 

Trong khi đó, những thách thức trong chính nội tại nước này cũng là vấn đề không hề nhỏ. Trong đại hội lần thứ 18 vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người.

Nhìn vào quá khứ ấn tượng của Trung Quốc, có vẻ như đây là 1 nhiệm vụ đơn giản. Tuy nhiên, trong thập kỷ này, rất nhiều thử thách đang chờ đón Trung Quốc ở phía trước. Đối mặt với sự suy thoái trong xuất khẩu, Trung Quốc phải mở rộng thị trường nội địa. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ suy giảm, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sức tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ đóng góp nhiều hơn vào GDP. 

Qui mô lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2015. Sau đó, Trung Quốc sẽ phải dựa vào các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn vốn lao động chuyên nghiệp để tạo ra tăng trưởng. Công nghiệp chế tạo – cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc – có thể sẽ đạt đỉnh trong khoảng thời gian 2015 đến 2020. 

Dường như các lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng đã nhận thức được điều này. Đại hội Đảng lần thứ 18 nhấn mạnh một số cải cách để đương đầu với thách thức. Trong đó, cải cách trong chế độ đăng kí hộ khẩu là điểm nổi bật hơn cả. Hệ thống hộ khẩu được triển khai từ năm 1958 để hạn chế xu hướng dịch chuyển của lực lượng lao động, đặc biệt là người nhập cư từ nông thôn vào thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, có tới 240 triệu dân (trong đó 160 triệu người có hộ khẩu ở nông thôn) đang không sinh sống ở nơi mà họ sinh ra. 

Chính sách hộ khẩu mới được thông báo từ tháng 2 năm nay. Theo đó, người nhập cư tại các thành phố nhỏ có thể nộp đin xin cấp hộ khẩu nếu như họ có công việc ổn định và có nơi để ở (bao gồm cả nhà đi thuê). Đối với các thành phố có quy mô trung bình, người nhập cư có thể xin cấp hộ khẩu nếu sống hoặc làm việc ở thành phố đó trong suốt 3 năm liên tiếp. 

Chính sách này có tác dụng lớn trong thúc đẩy tiêu dùng nội địa với 2 lý do chính. Thứ nhất, người di cư từ nông thôn ra thành phố sẽ tiết kiệm phần lớn thu nhập bởi họ phải chuẩn bị cho việc trở về quê hương vào 1 ngày nào đó. Nếu như có hộ khẩu, họ có thể ổn định và chi tiêu nhiều hơn. Theo tính toán sơ bộ, tỷ lệ đóng góp của mảng chi tiêu từ các hộ gia đình có thể tăng thêm 4,2% GDP nếu như mức chi tiêu của dân nhập cư được nâng lên ngang tầm với mức chi tiêu của người dân gốc thành thị. 

Thứ 2, người nhập cư sẽ mang con cháu và bố mẹ của họ đến sống ở thành phố nếu như họ được cấp hộ khẩu. Số dân sinh sống tại thành thị tăng lên giúp thị trường dành cho ngành dịch vụ được mở rộng. Dịch vụ vốn là ngành chưa phát triển mạnh và có khả năng lấp đầy lỗ hổng mà ngành chế tạo để lại. 

Các cuộc cải cách theo định hướng thị trường trong giai đoạn 1978 – 2002 đã giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng chính các cuộc cải cách này khiến chênh lệch giàu nghèo ngày càng nới rộng, dẫn đến bất ổn xã hội, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đối mặt với tình trạng này, bộ đôi lãnh đạo Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo cũng đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông thôn, đặc biệt là hệ thống giáo dục. 

Thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực hiện các cải cách được họ nêu ra trong đại hội 18. 8 tháng đã trôi qua kể từ khi chính phủ Trung Quốc thông báo về cải cách hộ khẩu nhưng vẫn chưa có bất cứ kế hoạch chi tiết nào được đưa ra.

Hơn nữa, cả người dân và chính quyền địa phương đều không muốn thực hiện cải cách này. Họ cho rằng chấp nhận người nhập cư sẽ làm gia tăng gánh nặng lên hệ thống tài chính công trong khi người dân lo ngại cơ hội học tập của con em họ sẽ bị giảm đi. 

Không gian sống vốn chật chội cũng sẽ bị thu hẹp. Không giống như các cải cách trước đó vốn đem lại lợi ích rõ ràng cho toàn xã hội, cải cách hộ khẩu chưa thể ngay lập tức đem lại lợi ích và còn đe dọa đến lợi ích của phần lớn người dân. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết thực hiện cải cách, tuy nhiên giờ đây hành động thực sự mới là điều được mong đợi. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên