MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài kiểm tra mới dành cho châu Âu

03-02-2015 - 19:12 PM | Tài chính quốc tế

Những sự kiện gần đây ở Hy Lạp đưa ra một thách thức mang tính sống còn đối với châu Âu: Liệu châu Âu có thể vượt qua ‘đám mây mù” và đối diện với thực tại theo cách mà những giá trị cốt lõi của lục địa già sẽ được tôn trọng?

Nội dung nổi bật:

- Trên thực tế gói cứu trợ dành cho Hy Lạp được dùng để trả tiền cho các chủ nợ chứ không phải tài trợ cho ngân sách của Hy Lạp. Hy Lạp đã có thặng dư ngân sách. Gói cứu trợ dành cho Hy Lạp chính là gói cứu trợ dành cho các ngân hàng của nước chủ nợ. Chính phủ Hy Lạp chỉ đóng vai trò trung gian.

- Châu Âu có thể giảm nợ và mở ra con đường hoàn toàn mới cho Hy Lạp. Đó mới là cách thức phù hợp với ý tưởng một khối đồng tiền chung thịnh vượng mà eurozone dày công xây dựng.


Đã 5 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng ở eurozone bắt đầu, châu Âu vẫn ở trong trạng thái ngổn ngang. Tuy nhiên, đây là thời điểm mà sự mơ hồ phải chấm dứt. Những sự kiện gần đây ở Hy Lạp đưa ra một thách thức mang tính sống còn đối với châu Âu: Liệu châu Âu có thể vượt qua ‘đám mây mù” và đối diện với thực tại theo cách mà những giá trị cốt lõi của lục địa già sẽ được tôn trọng? Nếu câu trả lời là không, cả dự án mà Liên minh châu Âu nỗ lực xây dựng với mong ước về một khối hòa bình và dân chủ thông qua chia sẻ sự thịnh vượng sẽ trở thành một thảm họa.

Đầu tiên, hãy nói về những lầm tưởng ở thời điểm hiện tại. Dường như có rất nhiều người tin rằng các khoản nợ mà Athens nhận được từ khi khủng hoảng nổ ra đã và đang được sử dụng để tài trợ cho ngân sách của Hy Lạp.

Tuy nhiên, sự thực là phần lớn các khoản vay này được sử dụng để trả lãi và gốc của các khoản nợ. Trên thực tế, trong 2 năm qua, tiền cứu trợ dành cho Hy Lạp được sử dụng theo cách như sau: chính phủ Hy Lạp dùng số tiền này để trả cho các chủ nợ vì Hy Lạp đang có thu ngân sách lớn hơn chi.

Nói đơn giản hơn, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp chính là gói cứu trợ dành cho các ngân hàng của nước chủ nợ. Chính phủ Hy Lạp chỉ đóng vai trò trung gian. Còn đối với người dân Hy Lạp, họ phải chứng kiến chất lượng cuộc sống “lao dốc không phanh” cũng như phải hi sinh nhiều hơn để đóng thêm tiền cho chương trình cứu trợ.

Cũng có thể nhìn nhận yêu cầu của chính phủ mới vừa thắng cử ở Hy Lạp chỉ đơn giản là muốn giảm phần đóng góp đó. Hy Lạp nên giảm phần chi cho lãi suất và tăng chi vào những thứ như y tế và trợ cấp. Nếu làm như vậy, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% của Hy Lạp cũng sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên, liệu có phải Hy Lạp không có nghĩa vụ phải trả những khoản nợ mà chính phủ nước này đã chọn? Hãy nói đến vấn đề đạo đức. Đúng là Hy Lạp (hay chính xác hơn là chính phủ đã lãnh đạo đất nước này trong thời kỳ 2004 – 2009) tình nguyện vay những khoản tiền lớn. Tuy nhiên, cũng có một sự thực là các ngân hàng ở Đức hay bất cứ nước nào khác ở châu Âu đã tình nguyện cho Hy Lạp vay số tiền đó. Thông thường, bất cứ bên nào sai lầm sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, các ngân hàng tư nhân đều nhận được tiền cứu trợ trong khi Hy Lạp vẫn phải tiếp tục trả nợ.

Hiện nay không ai tin rằng Hy Lạp hoàn toàn có thể trả nợ. Vậy thì tại sao không chấp nhận sự thực đó và giảm nợ xuống mức mà Hy Lạp có thể trả? Có phải mục tiêu là biến Hy Lạp thành ví dụ điển hình cho các con nợ khác? Nếu vậy, mục tiêu thành lập một liên minh hùng mạnh gồm các quốc gia giàu có và dân chủ sẽ đi về đâu?

Sự hoài nghi về những giá trị cốt lõi của eurozone càng trở nên rõ ràng hơn khi nghĩ đến câu hỏi tại sao các chủ nợ của Hy Lạp vẫn nắm nhiều quyền lực. Nếu đó chỉ là vấn đề về ngân sách, Hy Lạp có thể đi theo con đường đơn giản là tuyên bố vỡ nợ. Sau đó Hy Lạp không thể nhận khoản vay mới nhưng cũng sẽ không phải trả nợ và cuối cùng thì dòng tiền sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, vấn đề của Hy Lạp nằm ở sự mong manh của các ngân hàng. Giống như hầu hết các ngân hàng ở eurozone, hiện các ngân hàng Hy Lạp vẫn được tiếp cận với nguồn tín dụng từ NHTW châu Âu. Nếu không có nguồn tín dụng này, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ “tan chảy” nếu tiền bị rút ra ồ ạt. Tồi tệ hơn, thái độ của Đức và các nước chủ nợ khác có vai trò quan trọng với ECB.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ mới của Hy Lạp đoạn tuyệt với thắt lưng buộc bụng? Kịch bản Hy Lạp rời eurozone trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Và, những hệ lụy về kinh tế và chính trị sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu chứ không phải riêng Hy Lạp.

Dẫu vậy, không quá khó để giải quyết tình trạng hiện nay. Mặc dù ít người biết rằng Hy Lạp đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc lấy lại năng lực cạnh tranh vì lương và các chi phí khác đã giảm đáng kể, thắt lưng buộc bụng là thứ duy nhất kéo lùi nền kinh tế Hy Lạp ở thời điểm hiện tại.

Do đó, câu trả lời rất đơn giản: để cho Hy Lạp tự định đoạt số phận của họ và đi theo con đường mới mà đảng mới đắc cử đang theo đuổi. Cách này cũng giúp tối thiểu hóa thiệt hại mà người nộp thuế ở các nước chủ nợ - vốn sẽ không bao giờ được nhận lại toàn bộ số tiền họ đã cho vay – phải chịu.

Tuy nhiên, điều cần nhất là các nước châu Âu khác (đặc biệt là Đức) phải chấp nhận giải pháp ấy. Liệu họ có làm được điều này? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Tác giả bài viết này là Paul Krugman – nhà kinh tế học nổi tiếng chuyên nghiên cứu về kinh tế học vĩ mô đã đạt giải Nobel và hiện là cây bút xuất sắc của tờ New York Times. 

Thu Hương

Thu Hương

New York Times

Trở lên trên