MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ "Chúa" Lloyd Blankfein mới nhường ngai?

19-06-2013 - 12:11 PM | Tài chính quốc tế

“Thái tử” Gary Cohn của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ngày càng thêm bồn chồn vì “Chúa” Lloyd Blankfein chưa muốn nhường ngai.

Từ lâu Gary Cohn đã được coi là người sẽ kế vị đương kim Chủ tịch kiêm CEO Lloyd Blankfein. Nhưng theo một số ‘người trong nhà’, Blankfein chưa hề tỏ ý định “thoái vị”.

Sau khi lèo lái công ty qua khủng hoảng tài chính cùng scandal Goldman Sachs đặt cược chống lại khách hàng, nay có vẻ Blankfein (58 tuổi) đang khá thảnh thơi. 

Nay ông là bậc trưởng thượng trong giới tài chính. Nhưng không như lãnh đạo Goldman các đời trước, chẳng ai nghĩ tới chuyện Blankfein sẽ tới Washington nhận một ghế quan chức cấp cao.

Vì thế, Blankfein đã để râu quai nón, phát biểu về giáo dục và hôn nhân đồng tính, và dự tiệc của các ngôi sao Oscar. Ông thường đùa là mình sẽ “chết trên bàn làm việc”.

Với Cohn, đây không phải chuyện đùa. Vị Chủ tịch 52 tuổi này giờ bị gọi là Thái tử Charles của Phố Wall, đã sáu chục năm làm Thái tử mà Mẫu hậu chưa chịu nhường ngôi. Theo bạn bè và đồng nghiệp, Cohn ngày càng sốt ruột. Có người còn nói Cohn sẽ ra đi nếu Blankfein không sớm nhường ngai. Nếu thế, chuyện kế vị ở Goldman sẽ bị đảo lộn, vì hiện không ai đủ tầm thay thế Blankfein cả.

“Anh chưa biết người điều hành Goldman quan trọng đến thế nào đâu,” cựu giao dịch viên cao cấp Michael J. Driscoll tại Bear Sterns nói. “Đứng đầu Goldman là thực tế đã đứng đầu Phố Wall.”

Bước dập dìu của Cohn và Blankfein lại càng khó hiểu hơn khi chưa ai thấy giữa họ có gì căng thẳng với nhau. Dù nhìn theo góc độ nào, họ vẫn là bạn. Nhiều năm trời, hai gia đình đi nghỉ cùng nhau và Cohn gần đây còn dự đám cưới của con trưởng Blankfein.

Nhưng đây là Goldman Sachs, công ty nổi tiếng với sự quyết liệt trong từng giao dịch, nơi tham vọng cũng vĩ đại như tiền lương. Chuyện đấu đá chốn cùng đình nào phải xa lạ ở Goldman: người tiền nhiệm của Blankfein, cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson, lên ngôi CEO sau khi “làm đảo chính” lật người đồng sự Jon Corzine.

Dù Cohn vẫn là ứng cử viên hàng đầu, nhưng thời gian là kẻ thủ của ông. Goldman vẫn tiếp tục cân nhắc các nhân sự khác, và quyền trượng có thể rơi vào tay ai đó chứ chẳng phải Cohn.

Nếu Cohn ra đi hoặc bị loại bỏ, có thể kể đến một số tên tuổi sáng giá khác như Giám đốc Tài chính Henry Schwartz hay Đồng Giám đốc bộ phận Ngân hàng đầu tư David Solomon.

Phát ngôn viên Goldman cho biết: “Chúng tôi muốn có một đội ngũ lãnh đạo ổn định và hùng mạnh với nhiều chục năm gắn bó cùng công ty. 18/30 thành viên ban lãnh đạo đã làm việc ở Goldman từ 20 năm trở lên.”

Dù kết quả có thế nào thì nhất cử nhất động của “các sếp” sẽ được theo dõi sát sao vì dưới họ là hàng chục nhân sự cao cấp khác, “sếp” có lên thì rồi mới đến lượt mình …

Đã lâu trụ sở Goldman mới có một dịp nhộn nhịp như thế. Có lẽ đó là xu thế vì trong vòng 12 tháng qua, nhiều lãnh đạo cao cấp đã rời JPMorgan Chase còn Citigroup đã có CEO mới.

Tại Goldman, chưa ai nghĩ tới chuyện ra đi, nhưng chuyện giữ cho các lãnh đạo cao cấp vui vẻ không dễ.

Với một người từng công khai tuyên bố “muốn chiếc ghế của Blankfein” như Cohn, chuyện này lại càng khó.

Dù đã kiếm được gần 128 triệu USD kể từ năm 2007 nhưng chắc chắn Cohn có thể còn kiếm được nhiều hơn nếu làm việc tại một quỹ đầu cơ. Tiền bạc hấp dẫn thật, nhưng làm sao ông có nhiều quyền lực như ở Goldman. Do đó, ‘người trong nhà’ nghĩ hiện Cohn chưa tính tới chuyện rời công ty.

Về phần mình, có vẻ Blankfein chẳng có lý do gì phải ra đi. Một số cựu lãnh đạo cao cấp của Goldman như Hankn Paulson, Jon Corzine và Robert Rubin từng giữ chức vụ cao cấp trong chính quyền như Thống đốc bang hay Bộ trưởng. Tuy vậy, tự Blankfein cũng hiểu ông không có chỗ ở Washington, nhất là sau hàng loạt các scandal của giới ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính.

Mới cách đây không lâu, người ta đã nghĩ Blankfein khó trụ được trên ngai vàng. Trong thời ông trị vị, Goldman bị buộc tội lừa đảo nhà đầu tư và phải nộp 550 triệu USD phí dàn xếp. Nhưng Cohn và Blankfein như từ một mẹ mà ra. Cả ông và Blankfein đều xuất thân là giao dịch viên

Cohn khởi nghiệp tại sở giao dịch hàng hóa New York vào năm 1983. Hồi ấy ông bị gọi là “anh chàng kẹo cao su” vì việc của ông là cầm kẹo cao su chuyên làm êm họng các giao dịch viên cả ngày hò hét. Không lâu sau, Cohn bắt đầu giao dịch bạc bằng vốn của chính mình cho tới tân khi vào Goldman năm 1990.

Vào Goldman, thu nhập của Cohn tụt mạnh nhưng lại làm thân được với Blankfein. Từ bấy đến nay, Cohn theo gót Blankfein trên nấc thang lãnh đạo và trở thành đồng Chủ tịch và đồng Giám đốc điều hành sau khi Blankfein lên ngôi Tổng giám đốc.

Cả hai đều thuộc giới quyền quý tại Manhattan. Blankfein sống ở Central Park West còn Cohn cùng người vợ nghệ sỹ sống tại Upper East Side.

“Dù có khó chịu, nhưng Gary cũng hiểu vì sao Lloy chưa ra đi,” một người bạn xin không nêu tên cho biết. “Cả hai đều quá yêu công việc mình đang làm.”

Minh Tuấn

tuannm

New York Times

Trở lên trên