MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp bất ổn, thị trường mới nổi vẫn là tương lai của thế giới

23-09-2015 - 10:55 AM | Tài chính quốc tế

Gần 3 tỷ người sẽ bước vào tầng lớp trung lưu vào năm 2050, và gần như tất cả trong số họ trong thế giới phát triển.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các cột trụ truyền thống của tăng trưởng toàn cầu gồm Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đều rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga nổi lên như những động lực tăng trưởng mới. Còn hiện nay, khi kinh tế Mỹ hồi phục, châu Âu dần bước ra khỏi gánh nặng nợ nần thì các nền kinh tế mới nổi lại rơi vào rắc rối.

Tăng trưởng đang chậm lại, đồng tiền của nhiều nước giảm mạnh, và các nhà đầu tư đang tháo chạy. Những lo ngại về sự suy thoái kéo dài tại Trung Quốc đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn thế giới vào tháng 8 mới đây. Sự rối loạn thậm chí đã gợi lại ký ức kinh hoàng của cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997.

Có nhiều lý do để bi quan về các nền kinh tế mới nổi. Tốc độ tăng trưởng đã hạ nhiệt ở khắp nơi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sản lượng của nền kinh tế mới nổi sẽ chỉ tăng 4,2% trong năm 2015, giảm mạnh từ 7,4% của 5 năm trước. Brazil và Nga đang trong tình trạng suy thoái, còn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm đến mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ.

Sai lầm trong chính sách được cho là nguyên nhân chính gây ra rắc rối này. Các chính trị gia đưa ra không đủ các cải cách cần thiết để giữ mức tăng trưởng. Trung Quốc là một ví dụ điển hình: Các nhà lãnh đạo của nước này đã không quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng đầu tư đã lỗi thời. Ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa chứng minh được sự nhiệt thành với các nhà đầu tư, thậm chí, mới đây, ông còn không nới lỏng các hạn chế mua đất cho dự án công nghiệp.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tự tay bóp nghẹt nền kinh tế phụ thuộc vào dầu của mình bằng chính sách ngoại giao "tự cô lập" với phương Tây... Tất cả điều này đang xảy ra trong khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong đó, dòng tiền rút khỏi các thị trường đang phát triển ngày càng lớn. Theo NN Investment Partners, các nhà đầu tư rút hơn 900 tỷ USD từ 19 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian 13 tháng, kết thúc vào tháng 7 - gấp đôi số tiền rút tại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhưng theo The Financial Times dẫn lại dự báo của các chuyên gia kinh tế, nếu tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi sẽ là một sai lầm lớn. Bởi vì, bất chấp các bất ổn ngắn hạn, các thị trường mới nổi vẫn là tương lai của kinh tế thế giới. Neil Shearing, Giám đốc Thị trường mới nổi tại Công ty Nghiên cứu Capital Economics, cho rằng, dự đoán về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra "đã bị thổi phồng".

Ông lưu ý rằng, nợ ngoại tệ của hầu hết các nền kinh tế phát triển thấp hơn trong quá khứ, giúp các nước này ít bị tổn thương. Thặng dư thương mại và dự trữ ngoại tệ nhiều hơn của các nền kinh tế châu Á mới nổi cũng tạo thêm sức mạnh tài chính cho họ. Tất nhiên, đây không phải những đảm bảo khủng hoảng sẽ không xảy ra, nhưng rõ ràng sẽ giảm thiểu khả năng rủi ro.

Tăng giảm lãi suất tại Mỹ cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư lo sợ. Chuyên gia kinh tế của HSBC Frederic Neumann và chiến lược Jessica Wu phân tích chu kỳ thắt chặt định lượng trước đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và phát hiện các thị trường châu Á mới nổi "tương đối nguyên vẹn," ít nhất là trong giai đoạn ban đầu. Rất mừng là sau cuộc họp tại Washington, FED đã ra quyết định không tăng lãi suất vì rủi ro của thị trường toàn cầu - hạn chế đà tăng trưởng, sức ép giảm phát, và chỉ số lạm phát tại Mỹ vẫn chưa đạt mục tiêu 2%.

Về lâu dài, tầng lớp trung lưu ở Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu, nhưng người tiêu dùng của các nền kinh tế mới nổi cũng vẫn tạo ra động lực mới đầy tiềm năng. Thậm chí, theo Viện Nghiên cứu nhu cầu, ngay cả khi Trung Quốc không thay đổi kịp mô hình kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn sẽ tăng 60% trong thập kỷ tới.

HSBC dự báo khoảng 3 tỷ người sẽ bước vào hàng ngũ của tầng lớp trung lưu vào năm 2050 và đa số sống tại các nền kinh tế mới nổi. Điều đó sẽ tạo ra một sự thay đổi "địa chấn" trong nền kinh tế thế giới: Tiêu thụ trong nước mới nổi có thể chiếm gần hai phần ba tổng số toàn cầu trong năm 2050 - một sự gia tăng đáng kể từ con số một phần ba hiện nay.

Theo LAM HỒNG

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên