MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ổn của thương mại

14-10-2008 - 21:35 PM | Tài chính quốc tế

“Thương mại giữa hai nước có trình độ phát triển kinh tế khác xa nhau lại có xu hướng tạo nên các lớp rộng hơn những người thua cũng như những kẻ thắng…”

Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết về thương mại quốc tế của Paul Krugman, nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008.

 

Nước Mỹ từ trước đến nay, trong khi nhập khẩu dầu và các loại nguyên liệu thô từ thế giới thứ ba, vẫn nhập khẩu thành phẩm từ các nước giàu khác như Canada, các nước châu Âu và Nhật là chủ yếu.

 

Nhưng đã có bước ngoặt quan trọng: nhập khẩu hàng hóa thành phẩm từ các nước thuộc thế giới thứ ba của Mỹ đang nhiều hơn cả từ các nền kinh tế phát triển khác. Điều đó có nghĩa là phần lớn hoạt động thương mại của nước Mỹ hiện đang diễn ra với những nước nghèo hơn và nhân công có mức lương thấp hơn.

 

Nếu coi nền kinh tế thế giới như một chỉnh thể - đặc biệt với các nước nghèo – sự tăng trưởng thương mại giữa các nước có giá nhân công cao với các nước có giá lao động thấp là điều rất tốt. Trên tất cả, nó đưa ra cho những nền kinh tế tụt hậu niềm hy vọng tốt nhất tiến tới có mức thu nhập cao hơn.

 

Nhưng với nhân công lao động Mỹ câu chuyện lại ít tích cực hơn nhiều. Thực tế, khó mà tránh khỏi kết luận rằng việc gia tăng thương mại giữa Mỹ với các nước thuộc thế giới thứ ba làm giảm tiền lương lao động thực của nhiều và có thể là hầu hết lao động của nước này. Và điều đó thực sự làm khó cho các hoạt động chính trị trong lĩnh vực thương mại.

 

Điểm qua về các nền kinh tế

 

Hoạt động thương mại giữa các nước có giá lao động cao hướng tới một kết cục thắng lợi chừng mực của tất cả, hoặc hầu như tất cả, những bên liên quan. Vào những năm 1960, khi một hiệp ước thương mại tự do làm cho việc kết hợp ngành công nghiệp ô tô Mỹ và Canađa trở nên khả thi , ngành công nghiệp của mỗi nước tập trung vào sản xuất một dải hẹp các sản phẩm trên quy mô lớn. Kết quả đạt được là năng suất và lương lao động tăng đồng đều và toàn diện.

 

Ngược lại , thương mại giữa hai nước có trình độ phát triển kinh tế khác xa nhau lại có xu hướng tạo nên các lớp rộng hơn những người thua cũng như những kẻ thắng.

 

Cho dù việc thuê gia công ngoài vài công việc trong lĩnh vực công nghệ cao tại Ấn Độ đang được nói đến nhiều, nhưng nếu cân nhắc kỹ, những nhân công được giáo dục tốt ở Mỹ được hưởng lợi từ mức tiền lương cao hơn và cơ hội nghề nghiệp mở rộng nhờ vào thương mại. Chẳng hạn, máy xách tay ThinkPad hiện do một công ty của Trung Quốc, Lenovo sản xuất. Nhưng phần lớn bộ phận nghiên cứu và phát triển lại được đặt tại Bắc Caroline.

 

Nhưng những người lao động không được hưởng nền giáo dục chính quy thì đang thấy hoặc là công việc của họ bị chuyển ra ngoài biên giới hoặc lương lao động của họ đang bị hạ xuống bởi hiệu ứng lan truyền khi những lao động khác với chất lượng tương tự đồ vào ngành công nghiệp của họ tìm kiếm công ăn việc làm thế chỗ vào những công việc mà họ đã mất do sự cạnh tranh từ nước ngoài. Và mức giá hàng hóa thấp hơn tại Wal-Mart không phải là sự đền bù thỏa đáng cho họ.

 

Tất cả điều này đều mang tính giáo khoa trong kinh tế quốc tế: Trái ngược với những gì người ta đôi khi quả quyết, lý thuyết kinh tế nói rằng tự do thương mại thông thường làm một nước giàu lên, nhưng nó không nói rằng sẽ tốt với tất cả. Tuy nhiên, khi những hiệu ứng từ hàng xuất khẩu của thế giới thứ ba vào lương lao động ở Mỹ lần đầu tiên trở thành đề tài tranh cãi vào những năm 1990, một số nhà kinh tế, bao gồm chính Krugman , nhìn vào dữ liệu và kết luận rằng bầt kỳ hiệu ứng tiêu cực nào với lương lao động ở Mỹ, nếu có, đều có chừng mực.

 

Vấn đề hiện tại là đó là những hiệu ứng này có thể không còn ở mức giới hạn như trước nữa vì nhập khẩu hàng hóa gia công từ thế giới thứ 3 đã tăng trưởng đáng ngạc nhiên, từ chỗ chỉ chiếm 2,5% GDP năm 1990 đến 6% năm 2006.

 

Và sự tăng trưởng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu lại có nguồn gốc từ các nước có mức giá lao động cực thấp. Những hàng hóa thành phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ các nền kinh tế đang công nghiệp hóa – Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore – có mức lương chỉ vào khoảng 25% mặt bằng lương ở Mỹ vào năm 1990. Kể từ đó, nguồn nhập khẩu của chúng ta dịch chuyển sang Mexico, nơi có mặt bằng lương chỉ vào khoảng 11% mặt bằng lương của Mỹ và Trung Quốc, nơi có mức lương chỉ bằng 3-4%.

 

Có một vài khía cạnh về mặt định tính trong câu chuyện này. Chẳng hạn, nhiều hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc lại bao gồm những thành phần sản xuất tại Nhật Bản và những nền kinh tế có lương nhân công cao khác. Thêm vào đó, có một chút lo ngại về áp lực của quá trình toàn cầu hóa đang gia tăng tác động lên tiền lương ở Mỹ.

 

Tôi đang lập luận với tư cách một nguời theo chủ nghĩa bảo hộ? Không. Những ai nghĩ rằng toàn cầu hóa luôn luôn và ở bất cứ đâu cũng là tồi tệ là sai. Ngược lại, việc giữ được các thị trường thế giới tương đối mở mang tính quyết định cho niềm hy vọng của hàng tỉ nguời. 

 

Nhưng tôi đang tranh luận với lối chỉ trích không hiểu biết về kinh tế hay khúm núm trước những nhóm lợi ích đặc biệt thường thể hiện chủ nghĩa hoài nghi về lợi nhuận của các thỏa ước thương mại tự do.

 

Thường thì việc đòi hỏi những hạn chế về hương mại chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ người Mỹ, trong khi làm tổn thương phần lớn còn lại. Điều đó vẫn đúng, giống như khi ta xem xét chính sách đặt hạn ngạch nhập khẩu đường. Nhưng khi mở rộng mệnh đề này với các hàng hóa khác, ít nhất có thể lập luận để chỉ ra rằng điều ngược lại cũng đúng. Những lao động có giáo dục, những người thu lợi rõ rệt trong việc phát triển thương mại với các nền kinh tế thế giới thứ ba chỉ là thiểu số so với những người bị thiệt hại.

 

Như tôi đã nói, tôi không phải là một người theo chủ nghĩa bảo hộ. Vì lợi ích chung của thế giới, tôi hy vọng rằng chúng ta có trách nhiệm với những bất ổn của thương mại nhưng không bằng cách đóng cửa thương mại, mà bằng cách thực thi những việcnhư củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Những ai lo lắng về thương mại có lý riêng của họ, ý kiến đó cũng nên được tính đến.
 
Thủy Giang

ngocdiep

Trở lên trên