MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch những đứa trẻ Trung Quốc sinh ở Hồng Kông

17-12-2013 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Được sinh ra với tấm hộ chiếu có thể đi 147 quốc gia không cần thị thực, nhưng ở tuổi ấu thơ, những đứa trẻ này đã bị chối bỏ những phúc lợi cơ bản.

Qua Hương Cảng sinh con

Cách đây 5 năm, vợ chồng anh Vương, 34 tuổi, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dắt díu nhau qua Hồng Kông để sinh con, với hy vọng đứa con trai duy nhất của mình có quy chế thường trú nhân (PR) ở xứ Cảng Thơm và tấm hộ chiếu danh giá có thể đi 147 nước không cần thị thực.

“Chúng tôi nghĩ đó là món quà đầu tiên cho con mình khi nó chào đời”, Vương chia sẻ với phóng viên báo Straits Times.

Anh cũng cho biết thêm: “Hồi đó, tôi chỉ bắt chước làm theo những người khác. Tôi chỉ nghĩ về một xứ Hồng Kông tốt đẹp và con trai tôi sẽ được hưởng bao nhiêu là đặc quyền của một người Hồng Kông”.

Con số người Trung Quốc đại lục có suy nghĩ và hành động như Vương lên đến hàng trăm ngàn, sau một phán quyết của tòa án Hồng Kông năm 2001.

Phán quyết đó cho phép những đứa trẻ sinh ra trên đất Hương Cảng bởi những cặp vợ chồng đến từ đại lục sẽ được coi là người Hồng Kông theo quy chế PR, và được cấp hộ chiếu của Đặc khu Hành chính này.

Theo số liệu thống kê, vào năm 2001, có 620 đứa trẻ mang “hai dấu trừ” được sinh ra ở Hồng Kông.

“Hai dấu trừ” là ký hiệu cho những đứa bé mà cả cha lẫn mẹ không sinh sống tại Hồng Kông.

Nhưng năm 2011, con số này lên tới 43.982.

Kể từ ngày có cái phán quyết của tòa án đến nay, tổng cộng có hơn 200.000 phụ nữ từ đại lục sang Hồng Kông sinh con.

Trào lưu này đã dẫn đến việc các bệnh viện xứ Hương Cảng trở nên quá tải, khiến người dân địa phương ta thán, buộc chính quyền ban lệnh cấm từ đầu năm 2013.

Tiến thoái lưỡng nan

Phần đông, sau khi ra đời, những đứa trẻ “tạm xuất” này và cha mẹ chúng lại “tái nhập” về đại lục sinh sống.

Mọi chuyện vẫn ổn khi cha mẹ chúng đảm bảo được việc nhập cảnh Hồng Kông trong vòng 3 năm để quy chế PR vẫn tiếp tục phát huy hiệu lực.

Bởi luật xuất nhập cảnh Hồng Kông quy định, quy chế PR sẽ tự động bị cắt nếu cá nhân đi khỏi lãnh thổ này đến 3 năm hoặc dài hơn.

Tuy nhiên, chuyện quan trọng hơn chính là khi đứa trẻ đủ tuổi đến trường.

Do không sinh ra ở đại lục, trẻ không có giấy khai sinh địa phương nên không thể nhập được vào hộ khẩu của cha mẹ.

Và vì không có hộ khẩu, trẻ không được phép vào trường công lập, không được hưởng bảo hiểm y tế.

Ở thành phố mà Vương sinh sống, chỉ có 3 trường tư, mà chất lượng thì không đảm bảo.

“Trường tư ở Trung Quốc - trừ những trường quốc tế thượng lưu - không tốt như trường tư ở các nước khác. Giáo viên giỏi đều vào trường công hết rồi”, Vương nói. 

Vậy nên, để học được trường tư chất lượng, phụ huynh phải chịu chi phí rất cao mà Vương khó lòng kham nổi.

Mặt khác, nếu học trường tư trong tình trạng không hộ khẩu, về sau con trai Vương cũng không thể tham dự cuộc thi tuyển vào đại học vốn bắt buộc phải thí sinh phải đăng ký tại địa phương mình có hộ khẩu.

Trong tình thế đó, nhiều phụ huynh đồng ý bỏ quy chế PR Hồng Kông để đổi lấy hộ khẩu Trung Quốc cho con.

Nhưng luật pháp đại lục không chấp nhận.

Quy định của đại lục cho phép người ta có thể đổi tấm hộ chiếu Mỹ - nhưng không thể đổi tấm hộ chiếu Hồng Kông - để lấy sổ hộ khẩu Trung Quốc.

Giám đốc cục Xuất nhập cảnh Hồng Kông Eric Trần cho biết: “Có nhiều phụ huynh ở đại lục đến hỏi chúng tôi rằng con họ có thể bỏ PR Hồng Kông không, bởi vì họ không thể xin hộ khẩu ở đại lục và gặp khó khăn trong việc đăng ký học”

“Câu trả lời là 'không'. Không có cơ chế cho phép họ hủy bỏ tình trạng thường trú Hồng Kông của mình”, ông Trần cho biết.

Bế tắc, nhiều phụ huynh đã phải “bứng rễ” ở đại lục để mang con trở lại Hồng Kông, nơi chúng có thể học trường công như những đứa trẻ bình thường khác.

Tuy nhiên, việc này lại làm nảy sinh khó khăn cho xứ Hương Cảng khi số trẻ mẫu giáo bất ngờ tăng vọt.

Vào mùa tựu trường hồi tháng 10 vừa rồi, va chạm đã xảy ra giữa phụ huynh từ đại lục và phụ huynh địa phương tại những nhà trẻ ở quận phía bắc đảo Hồng Kông, gần biên giới với đại lục, do cạnh tranh chiếm chỗ học cho con.

Chính quyền Hồng Kông gọi đây là “Nỗi kinh hoàng nhà trẻ” và cho biết “đang từng bước giải quyết thách thức quá độ” này.

Gian lận

Khi mọi con đường hợp pháp để đưa con đến trường đều đầy trở ngại, nhiều phụ huynh đang tính chuyện gian lận.

Báo Southern Weekly ở tỉnh Quảng Đông mới đây đăng bài trích lời một một phụ nữ kể rằng bà được một công ty dịch vụ xuất nhập cảnh khuyên nên “chạy” cho con một tấm hộ chiếu ở nước khác, để “đổi” lấy hộ khẩu đại lục, coi như vô hiệu hóa quy chế PR của Hồng Kông.

Cách thứ hai là nhờ “quan hệ” để gửi gắm con vào trường công với cam kết trả phí cao hơn cho nhà trường.

Nếu hai cách trên thất bại, cách thứ ba - đang được thảo luận trên diễn đàn online Hkbbclub thành lập năm 2010 và quy tụ hơn 40.000 thành viên chuyên bàn chuyện con sinh ở Hồng Kông - đó là làm giấy khai sinh giả của một bệnh viện địa phương rồi nộp cho công an để đăng ký hộ khẩu.

Ba cách làm phi pháp nói trên hiện đang bủa vây đầu óc Vương. Mỗi ngày, Vương mất hàng giờ đồng hồ suy nghĩ để tìm ra lối thoát cho việc học của cậu quý tử, anh cho biết.

“Tôi đã trở thành chuyên gia trong chuyện này - một chuyên gia không tìm được câu trả lời đúng”, Vương than thở với Straits Times.

Theo Thục Minh 

huongnt

Thanh Niên

Trở lên trên