MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bong bóng tài chính: Khi nhà khoa học trở thành người quản lý quỹ đầu cơ

27-06-2012 - 06:34 AM | Tài chính quốc tế

Sự phát triển vượt bậc của thị trường tài chính đang gây nên tình trạng mất cân bằng trong việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành.

Báo cáo thường niên vừa được Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đưa ra hôm 24/6 vừa qua ẩn chứa rất nhiều thông tin quý báu. Một trong những điều thú vị nhất là BIS đã nói đến những chi phí mà xã hội phải bỏ ra khi các nhà khoa học trở thành những người quản lý quỹ đầu cơ. 

Trước hết, hãy bắt đầu với tình hình tăng trưởng tín dụng trên toàn thế giới hiện nay. Nhiều người cho rằng tín dụng tăng trưởng quá nóng là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây nên tình trạng suy giảm của thị trường tài chính. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình lâu dài với nhiều yếu tố: tăng trưởng tín dụng vượt quá khả năng của các định chế tài chính trong việc phân loại và xử lý các khoản nợ dẫn đến các quyết định cho vay sai trái. Trong hoàn cảnh này, căng thẳng tài chính có thể xảy ra ngay cả khi tỷ lệ tín dụng ở mức thấp. Điều đáng lo ngại ở đây nằm ở một khía cạnh khác: khu vực tài chính bị thổi phồng có thể dẫn đến tình trạng nhân tài của các ngành khác bị hút hết về ngành này và làm tổn hại đến sự phát triển của các lĩnh vực khác. 

Theo BIS, các ngành có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực với ngành tài chính đã bị tổn hại rất nhiều từ sự bùng nổ của thị trường tài chính. Đặc biệt, các ngành sản xuất thiên về nghiên cứu và phát triển (R&D) ghi nhận sự sụt giảm tăng trưởng sản lượng mạnh khi ngành tài chính bùng nổ. 

Trong quá trình phát triển, ngành tài chính cạnh tranh gay gắt với các ngành còn lại trong việc thu hút các nguồn lực. Không chỉ thu hút vốn vật chất bao gồm nhà cửa, máy móc phục vụ quá trình làm việc, ngành tài chính còn thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao. Những nhà nghiên cứu khoa học bị lôi kéo khỏi ngành truyền thống của mình. Họ từ bỏ giấc mơ tìm ra phương pháp chữa ung thư hay cách đặt chân tới sao Hỏa và chuyển sang ước mơ trở thành nhà quản lý quỹ đầu cơ. 

Việc rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư và các nhà toán học rời trường đại học để tham gia vào lĩnh vực tài chính đã trở thành điều quen thuộc. Tuy nhiên, BIS đã đưa ra một nhận định khiến nhiều người sửng sốt: những hệ quả của xu hướng này cũng chẳng khác mấy so với bong bóng dotcom của những năm 1990 hay bất cứ bong bóng nào liên quan đến tài sản hữu hình. 

Và, cũng như các bong bóng khác, mọi người chỉ nhận ra bong bóng sau khi nó đã vỡ tung. Quá nhiều công ty đã được thành lập, quá nhiều vốn được đổ vào ngành này và quá nhiều nhân lực đã được tuyển dụng. Quan trọng hơn, sau khi bong bóng vỡ, những nguồn lực này bị bỏ không. Ví dụ như, sau bong bóng dotcom, vô số máy tính bị loại bỏ, các văn phòng làm việc trống trơn và hàng loạt lao động chất lượng cao bị sa thải. 

Giống như sự lệch lạc trong phân bổ chất xám, các ngành nghiên cứu cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ngành tài chính trong việc thu hút nguồn vốn. Theo nghiên cứu của BIS, ngành có hàm lượng nghiên cứu cao (chế tạo máy bay và khoa học máy tính) ở các nước có hệ thống tài chính phát triển mạnh thường có tốc độ tăng trưởng thấp hơn từ 1,9% đến 2,9%/năm so với các ngành có hàm lượng nghiên cứu thấp (dệt may, sắt thép) ở các nước hệ thống tài chính phát triển chậm hơn. 

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo, có thể bạn sẽ nghĩ đến trường hợp các nhà khoa học đã chuyển sang làm việc tại các ngân hàng và quỹ đầu cơ quay lại với công việc nghiên cứu và thế giới sẽ chứng kiến nhiều bước đột phá từ sự chuyển biến này. Liệu điều này có xảy ra hay chúng ta chỉ đang cố gắng lạc quan?

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên