MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bóng ma" 1937 - "Cơn ác mộng" tồi tệ nhất của Fed

17-06-2015 - 10:46 AM | Tài chính quốc tế

Trong nỗ lực vực “bẻ lái” nền kinh tế Mỹ trong năm 2015, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng hết sức để chống lại nỗi ám ảnh về những gì đã diễn ra trong năm 1937.

Trên thực tế, các chiến lược gia của phố Wall đang lo ngại rằng Fed đang quá thận trọng đến nỗi cơ quan này có thể bỏ lỡ một cơ hội quý giá để bình thường hóa chính sách tiền tệ sau 7 năm áp dụng các công cụ chính sách bất thường.

“Nhiều nhà hoạch định chính sách và những người chăm chú quan sát thị trường liên tục khẳng định rằng Fed nâng lãi suất quá sớm. Thị trường vẫn bị ám ảnh bởi “bóng ma” năm 1937, khi Fed nâng lãi suất vào thời điểm chưa chín muồi và thổi bùng lên cuộc Đại suy thoái”. Đó là nhận định vừa được Michael Arone – người phụ trách chiến lược đầu tư của công ty tư vấn State Street Global Advisors – đưa ra trong báo cáo phân tích có tựa đề “Why the Federal Reserve Needs to Bury the Ghost of 1937" (tạm dịch: Tại sao Fed cần chôn vùi bóng ma 1937).

Tuần này, Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ có cuộc họp mà cách đây vài tháng được dự báo sẽ là thời điểm Fed thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm. Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp hơn dự báo đã khiến mốc này bị trì hoãn. Giờ đây, các nhà đầu tư trên sàn CME thậm chí đưa ra dự báo Fed sẽ không nâng lãi suất trước tháng 12.

Mặc dù không nghĩ rằng Fed nên hành động ngay tại thời điểm này, Arone tin rằng nâng lãi suất quá muộn còn ẩn chứa nhiều rủi ro hơn so với việc nâng lãi suất quá sớm.

“Trong môi trường này, rủi ro ngày càng tăng lên chứ không hề giảm đi. Fed sẽ phải thắt chặt chính sách mạnh mẽ hơn nữa nếu hành động quá chậm trễ, và tất nhiên kéo theo đó thì giá tài sản cũng sẽ điều chỉnh mạnh hơn”.

Năm 1937, do lo ngại về bong bóng tài sản, Fed đã nâng lãi suất quá sớm và khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Fed bắt đầu hạ lãi suất từ cuộc khủng hoảng tài chính và giữ nguyên mức gần 0 suốt từ cuối năm 2008 đến nay.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã chính thức thoát khỏi suy thoái vào năm 2009 và kể từ đó đến nay Fed vẫn giữ nguyên mức lãi suất cơ bản. Ngoài việc duy trì mức lãi suất gần 0, Fed cũng mở rộng quy mô bảng cân đối kế toán lên mức 4.500 tỷ USD thông qua chương trình nới lỏng định lượng. Đối với TTCK, các chương trình này mang lại mức tăng trưởng lên tới 220%.

Arone khẳng định so sánh giữa 1937 và 2015 là một phép so sánh khập khiễng. Trong quá khứ, chỉ số giá tiêu dùng suy giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, hoàn toàn đối lập với những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Phép so sánh hợp lý nhất là với năm 1999, khi Fed vẫn giữ nguyên “bàn đạp” trong suốt bong bóng dot-com.

“Fed đã đợi quá lâu để nâng lãi suất trong năm 1999. Lạm phát thực sự đã bắt đầu tăng tốc trước đợt tăng lãi suất đầu tiên. Kết quả là Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh. Hai đợt tăng lãi suất liên tiếp trong 9 tháng khiến bong bóng trên TTCK vỡ tung”, chuyên gia này nói.

Tất nhiên, lần này tất cả mọi người đều hi vọng về một con đường bằng phẳng hơn.

Một trong những lý do hiển nhiên nhất khiến Fed chùn chân là do nước Mỹ chưa bao giờ nới lỏng tiền tệ ở mức độ sâu rộng như hiện nay. Lãi suất cơ bản chưa bao giờ ở mức gần 0 lâu đến vậy và bảng cân đối kế toán của Fed cũng chưa bao giờ được mở rộng đến mức độ này.

Hệ quả là, con đường rút lui của Fed sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay, bi kịch tồi tệ của quá khứ sẽ không lặp lại là hi vọng lớn nhất của nhà đầu tư.

Dẫu vậy, vẫn có không ít nhà đầu tư lạc quan về thị trường. Theo nhận định của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, lạm phát đang trong tầm kiểm soát, uy tín của Fed được nâng cao và niềm tin của nhà đầu tư vào đà phục hồi của nền kinh tế đang được hỗ trợ bởi nhiều số liệu lạc quan.

Các điều kiện kinh tế vĩ mô đã thay đổi đáng kể kể từ khi Mỹ bắt đầu áp dụng chính sách lãi suất gần bằng 0. Tái ản ròng của các hộ gia đình Mỹ cũng đã tăng từ mức 62.500 tỷ USD trong năm 2010 lên mức 84.900 tỷ USD trong năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10% xuống còn 5,5%.

Thu Hương

CNBC

Trở lên trên