MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BRICS đang dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu

27-03-2012 - 14:21 PM | Tài chính quốc tế

Từ sau một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính, BRICS, với sức mạnh “trụ vững sau những rung chuyển của nền tảng kinh tế thế giới” đang nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và thu hút sự chú ý cả thế giới.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là hiện đang gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm BRICS dự kiến diễn ra ngày 28-29/3, nơi các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn mới nổi sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề như quản trị toàn cầu, hợp tác và phát triển bền vững.

Mặc dù vẫn còn là một cơ chế tương đối non trẻ, BRICS đã cho thấy sức mạnh của nhóm như một thế lực kinh tế đang gia tăng sức mạnh, hứa hẹn đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế thế giới, đặt một nền tảng vững chắc cho khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu trong tương lai.

BRICS, nhóm các quốc gia mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang đóng vai trò ngày một lớn trong nền kinh tế toàn cầu trong suốt một thập kỷ qua.

Trong cuốn sách “Bản đồ tăng trưởng”, Jim O'Neil, chuyên gia kinh tế cao cấp của Goldman Sachs cho biết tổng GDP của các nước BRIC (tên nhóm trước khi Nam Phi gia nhập vào cuối năm 2010) đã tăng gấp gần 4 lần kể từ năm 2001, với khoảng 3 nghìn tỷ USD lên tới 11-12 nghìn tỷ USD trong năm 2010.

Từ khi một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát, BRICS, với sức mạnh “trụ vững sau những rung chuyển của nền tảng kinh tế thế giới” đang nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Một báo cáo của Goldman Sachs trong năm 2009 cho thấy, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, 45% tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến từ BRIC.

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, Leif Eskesen, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Ấn Độ, Asean của HSBC cho biết: "Nếu bạn nhìn vào những gì đã diễn ra trong vòng 4 năm qua, bạn có thể thấy rõ đang có một nguồn lực kéo tăng trưởng khỏi các nền kinh tế phát triển phương Tây, nơi vẫn còn đang “lung lay” trong khủng hoảng.”

Eskesen tin rằng mặc dù nguồn gốc tăng trưởng có thể khác nhau giữa các nước BRICS và các thị trường mới nổi khác, nhưng những cải cách về cơ cấu, tự do hóa kinh tế, dòng vốn đầu tư và các chính sách tài chính thích hợp đã đóng góp rất nhiều trong sức mạnh kinh tế của các nước này những năm vừa qua.

Các nước BRICS đã có những đóng góp to lớn vào nền kinh tế thế giới thông qua gia tăng việc làm, giảm nghèo, rót vốn đầu tư, xuất nhập khẩu, và nhiều lĩnh vực khác.

Theo IMF, nhóm BRICS, với khoảng hơn 40% dân số và hơn ¼ diện tích đất của thế giới, được dự báo có mức tổng GDP vào khoảng 13,6 nghìn tỷ USD trong năm 2011, chiếm 19,5% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng bền vững của khối đang bị thử thách bởi những dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế gần đây. GDP của Ấn Độ trong năm 2011 chỉ tăng 6,1%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống 7,5% từ mức 8% trước đó.

Theo Eskesen, điều quan trọng đối với khối này là "duy trì sự cân bằng giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Điều đó đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng để đưa ra những cải cách quan trọng về cấu trúc."

Theo IMF, ưu tiên hiện tại đối với các nền kinh tế mới nổi là đảm bảo một cuộc hạ mềm trong khi tăng trưởng nội địa chậm lại cùng những biến động trong dòng vốn và môi trường bên ngoài.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành tháng 2/2012, IMF cho biết các quốc gia như Trung Quốc, nơi áp lực lạm phát đã được xoa dịu, có vị thế tài chính ổn định, và thặng dư thương mại lớn, thì có thể tăng chi tiêu, bao gồm cả chi tiêu xã hội, trong khi đó, Ấn Độ, với lạm phát và nợ công tương đối cao trong khi ngân sách hạn chế, cần theo đuổi một chính sách nới lỏng cẩn trọng hơn.

Về lâu dài, các chuyên gia vẫn còn khá lạc quan về khả năng BRICS dẫn đầu xu hướng tăng trưởng toàn cầu. O’Neil nhận định nếu BRICS đạt được mục tiêu của họ, "điều đó sẽ tốt cho cả thế giới”.

Lan Hương

huongtd

Xinhuanet

Trở lên trên