MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BRICS rạn vỡ

10-02-2014 - 10:19 AM | Tài chính quốc tế

Vài năm trước, các nhà đầu tư đánh giá năm nền kinh tế mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi (BRICS) là đầu tàu tăng trưởng của thế giới. Giờ đây, giấc mơ BRICS đang có dấu hiệu rạn vỡ.

12 năm trước, nhà kinh tế Jim O’Neill thuộc Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá sau vụ 11-9-2001, Mỹ và châu Âu đối mặt với nguy cơ tụt hậu kinh tế. Ông tin rằng các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga sẽ trở thành những đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu. O’Neill tư vấn cho khách hàng đầu tư vào các thị trường mới nổi này.

Ông lấy chữ cái đầu tiên của tên mỗi nước để đặt cho nhóm này cái tên BRIC. Trong nhiều năm, O’Neill được đánh giá là “nhà tiên tri” thành công. Từ năm 2001 đến 2012, bộ tứ BRIC, sau đó cộng thêm Nam Phi thành bộ ngũ BRICS, phát triển vùn vụt với tỉ lệ tăng trưởng cao cùng các nền kinh tế mới nổi khác trong khi Mỹ và châu Âu chật vật với khủng hoảng. Nhưng đến năm 2013 và đầu năm 2014, bức tường BRICS bắt đầu rạn nứt.

“Bộ ngũ mong manh”

"Các nền kinh tế mong manh này đều có chung những điểm yếu như thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài chính lớn, tăng trưởng suy giảm, lạm phát tăng cao..."

Ông Roubini (nhà kinh tế Mỹ)

Theo tạp chí Đức Der Spiegel, từ năm 2013 tăng trưởng của các nền kinh tế BRICS bắt đầu suy giảm mạnh. Vài năm trước, tăng trưởng Trung Quốc lên đến 14% nhưng năm ngoái giảm xuống khoảng 7%. Tốc độ tăng GDP Ấn Độ sụt từ mức kỷ lục 10% xuống còn chưa đầy 5% trong năm 2013. Tăng trưởng Brazil và Nga cũng lần lượt giảm xuống còn 3% và 1,3%, thấp nhất kể từ năm 2008. Các con số này vẫn cao hơn mức tăng trưởng của châu Âu, nhưng không còn gây ấn tượng nữa.

Chuyên gia tiền tệ James Lord thuộc Ngân hàng Morgan Stanley mô tả Brazil, Ấn Độ, Nam Phi cùng hai nền kinh tế đang phát triển khác là Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia là “bộ ngũ mong manh”. Nhà kinh tế Mỹ Nouriel Roubini, người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nhận định các nền kinh tế BRICS đang rơi vào “cuộc khủng hoảng tuổi trung niên” do không thực hiện các cải cách thể chế cần thiết. “Các nền kinh tế mong manh này đều có chung những điểm yếu như thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài chính lớn, tăng trưởng suy giảm, lạm phát tăng cao...” - ông Roubini đánh giá.

Một phần nguyên nhân của tình trạng biến động tại các nền kinh tế mới nổi xuất phát từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong những năm gần đây, giới đầu tư mua hàng trăm tỉ USD trái phiếu của các nước đang phát triển do lợi nhuận thu được từ các thị trường phương Tây khá thấp. Tuy nhiên FED đang bắt đầu kiềm chế chương trình bơm vốn vào thị trường. Hậu quả là hàng loạt nhà đầu tư rời bỏ các thị trường mới nổi tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Lập tức giá đồng real của Brazil, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và đồng rand Nam Phi sụt giá 25%. Đồng rupiah Indonesia giảm xuống mức thấp như thời khủng hoảng kinh tế châu Á. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phải nâng lãi suất lên cao hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát hiện đã tăng lên gần 10%. Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi cũng có động thái tương tự.

Có những lý do cơ bản hơn khiến giới đầu tư rời bỏ các thị trường mới nổi. Đơn giản là bởi tương lai kinh tế của các thị trường này không còn xán lạn như trước. Hãng nghiên cứu Capital Economics dự báo tăng trưởng các nền kinh tế mới nổi chỉ đạt 4,5% trong năm 2014, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6% kể từ năm 2000.

Bất ổn

Nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Trung Quốc đang suy giảm mạnh so với cuối thập niên 1990. Giá nhân công rẻ, một điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, đang trở thành gánh nặng khi người lao động đòi tăng lương, đòi đảm bảo y tế và lương hưu. Các địa phương Trung Quốc ngập trong nợ nần. Còn Ấn Độ đứng trước nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Tạp chí Time dẫn lời một số nhà kinh tế nhận định sự chủ quan cũng đã khiến các nền kinh tế mới nổi vấp ngã. Lãnh đạo các nền kinh tế này quá tự tin với tỉ lệ tăng trưởng cao trong những năm qua nên đã không thực hiện những cải cách cần thiết để duy trì tăng trưởng.

Ví dụ ở Brazil mức thuế quá cao, thủ tục hành chính lằng nhằng, hạ tầng nghèo nàn đã khiến năng lực cạnh tranh suy giảm. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã đi đến giới hạn của nó. Để tiếp tục phát triển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc buộc phải cải cách cơ cấu kinh tế. Nhà kinh tế Roubini cũng cho rằng các nền kinh tế mới nổi không thực hiện được các cải cách theo hướng thị trường mà lại chuyển theo hướng nâng cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Một vấn đề nữa đang khiến chính phủ các nước đang phát triển lo ngại là tình trạng bất ổn chính trị. Tầng lớp trung lưu tại các nước này đang phát triển mạnh và đòi hỏi những cải tổ chính trị để giảm khoảng cách giàu nghèo và nạn tham nhũng. Trong thời gian qua, những cuộc biểu tình chống tham nhũng và lãng phí liên tục bùng nổ ở Brazil. Làn sóng chống tham nhũng cũng rộ lên ở Ấn Độ, nơi nạn con ông cháu cha hoành hành và 1/3 thành viên quốc hội bị điều tra hình sự.

Các thị trường mới nổi đang phải học một bài học khó khăn: nền kinh tế dù giàu triển vọng đến thế nào cũng không thể tăng trưởng mãi nếu chính phủ không thực hiện các cải cách mạnh mẽ.

Theo Hiếu Trung

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên