MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh kinh tế châu Á xoay theo Trung Quốc

22-09-2014 - 12:57 PM | Tài chính quốc tế

Đầu tư tăng trưởng chậm lại nhưng sức tiêu dùng vẫn được duy trì khá tốt hiện là những đặc điểm nổi bật nhất của kinh tế Trung Quốc. Những đặc điểm này đang làm thay đổi cục diện kinh tế châu Á.

Từ trên cao nhìn xuống gần trung tâm của Sumatra - hòn đảo của Indonesia từng được bao phủ bởi những cánh rừng,  một vạt dài để lộ nguồn của cải trù phú nằm dưới lòng đất. Những chiếc máy xúc lớn màu vàng đang hoạt động nhộn nhịp ở các mỏ than lộ thiên. Những chiếc xe tải 60 tấn nối đuôi nhau mang than ra khỏi mỏ. Sau 5 năm khai thác hết công suất để đáp ứng “cơn khát” than của Trung Quốc, những vết bánh xe tạo thành rãnh trên con đường bụi bặm. 

Tuy nhiên, gần đây, đoàn xe tải không còn hoạt động vào buổi trưa. Nhu cầu than của Trung Quốc đã sụt giảm và giá than cũng giảm. Minemex, công ty vận hành mỏ than này, cũng cho công nhân nghỉ trưa dài hơn. “Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi phải chịu đựng và cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn này”, Demak – người đàn ông có làn da rám nắng chia sẻ kèm theo tiếng thở dài.

Trong thời điểm này, “chịu đựng” cũng là từ thích hợp nhất đối với các nền kinh tế châu Á phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sau khi tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm suốt 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,5% trong 2 năm gần nhất. Đây là mức đáng ghen tỵ đối với hầu hết các nền kinh tế nhưng lại là điều đáng buồn đối với Trung Quốc. Kéo theo đó, các nhà công ty sản xuất máy móc ở Đài Loan chứng kiến xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 20% kể từ năm 2012 đến nay. Các nhà khai thác quặng sắt ở Australia phải chịu nhiều thiệt hại khi giá mặt hàng này chạm đáy 21 tháng. Doanh số trang sức bán ra ở Hồng Kông cũng giảm 40% kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu là vì Trung Quốc mạnh tay trấn áp tham nhũng. 

Tuy nhiên, “chịu đựng” không phải là từ dành cho giới buôn bán ở Trung Quốc. Giới phân tích ví von sữa chính là “vàng trắng” của New Zealand và sự ví von ấy xuất phát từ cơn khát sữa của Trung Quốc. Số khách du lịch đến Sri Lanka cũng tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng đầu năm. Phụ nữ Trung Quốc ngoài 30 tuổi hiện là bộ phận khách hàng nước ngoài hùng hậu nhất trên website của Lotte. 

Những sắc màu tương phản trên bức tranh kinh tế châu Á bắt nguồn từ những thay đổi trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc. Tiêu dùng giờ đây vượt qua đầu tư để trở thành cỗ máy tăng trưởng chính. Chi tiêu của các hộ gia đình đã tăng từ mức 34,9% GDP trong năm 2010 lên 36,2% trong năm 2013. Thậm chí giới phân tích cho rằng phải cộng thêm 10% nữa để ra con số trên thực tế. Năm 2014, bất chấp chính phủ đã mạnh tay đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội và đường sắt qua các gói kích thích mini, tiêu dùng vẫn đóng góp hơn một nửa tăng trưởng GDP.

Quá trình tái cân bằng của Trung Quốc đang khiến cả châu Á biến đổi. Đầu tiên, hãy xem người Trung Quốc mua gì. Với kim ngạch nhập khẩu năm 2013 đạt 1.950 tỷ, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều thứ hai thế giới. Đài Loan gắn chặt với nhu cầu của Trung Quốc nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác với xuất khẩu sang Trung Quốc đóng góp 6% GDP. Tuy nhiên, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu (như điện thoại) hướng về tiêu dùng thay vì đầu tư. 

Nhóm gặp nhiều bất lợi nhất là những nước xuất khẩu hàng hóa và máy móc sang Trung Quốc. Điển hình cho nhóm này là Australia – quốc gia có thể mất 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng nếu đầu tư của Trung Quốc sụt giảm quá mạnh (theo ước tính của Capital Economics). Điều này chưa xảy ra, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Australia đã tăng lên con số 6%, cao nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

Kể cả các quốc gia không xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc cũng có thể cảm nhận những hiệu ứng xuất phát từ quá trình tái cân bằng của Trung Quốc. Nhu cầu của Trung Quốc yếu đi nghĩa là giá các nguyên vật liệu thô cũng giảm xuống: giá than ở Indonesia đã giảm gần 50% kể từ năm 2011 đến nay. 

Tuy nhiên, bức tranh thị trường hàng hóa không phải toàn màu xám. Kim loại được sử dụng chủ yếu trong các hàng hóa tiêu dùng như kẽm (sử dụng trong xe hơi) đang tăng giá. 

Bên cạnh đó, “nỗi đau” của các nhà sản xuất lại là tin vui đối với người tiêu dùng. Hầu hết các nền kinh tế châu Á, từ Hàn Quốc đến Thái Lan, đều là nước nhập khẩu nhiều kim loại và năng lượng. Nếu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư sụt giảm ở Trung Quốc là một điều kiện thuận lợi.  

Karex, công ty sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới đến từ Malaysia, đã ghi nhận doanh thu tăng lên nhờ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên và diễn biến của thị trường hàng hóa. Nhu cầu sử dụng bao cao su sẽ tăng lên cùng với quá trình đô thị hóa và sự tăng lên trong thu nhập, độ hiểu biết và thời gian rảnh rỗi của người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá cao su đã giảm gần một nửa kể từ năm 2011 do nhu cầu về lốp xe cỡ lớn sụt giảm. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên