MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước ngoặt đầy khó khăn của kinh tế thế giới

15-05-2008 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), “thế giới đang bước vào một giai đoạn mới đầy bất ổn”.

Nền kinh tế các nước mới nổi đang tăng trưởng khá nhanh bất chấp giá tiêu dùng tăng cao và thị trường tài chính đầy bất ổn. Vậy kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn nào, bước phát triển tiếp theo ra sao là điều nhiều người không khỏi băn khoăn.

Theo IMF, từ quý 4/2007 đến quý 4/2008, kinh tế Mỹ có thể sụt giảm 0,7%. Trong khi đó vào tháng 1/2008, IMF công bố chỉ số này là 0,9%. Cùng trong khoảng thời gian trên, khu vực đồng euro cũng được dự đoán là sẽ giảm 0,9% từ quý 4 năm 2007 đến quý 4 năm 2008.

Nền kinh tế các nước mới nổi cũng tăng trưởng chậm lại, kinh tế châu Á tăng trưởng 7,5%, Trung Quốc 9,3%, Ấn Độ 7,9%, châu Phi 6,3%.

Nhìn chung, mức tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự tính là sẽ chậm lại đáng kể từ con số 4,9% năm ngoái xuống còn 3,7% năm 2008 (tính theo chỉ số trao đổi sức mua tương đương).

Mặc dù vậy con số này vẫn cao hơn mức của các năm 2001 và 2002. Như vậy ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính hiện nay và tình trạng giá cả leo thang trên toàn cầu tuy có nhiều nhưng không đến nỗi quá sâu rộng.

Những nền kinh tế mới nổi là động lực tăng trưởng trong vòng 5 năm qua: Trung Quốc chiếm 1/4, Brazil, Ấn Độ và Nga chiếm khoảng 1/4 nữa và các nước mới nổi và đang phát triển khác đóng góp khoảng 1/2 vào tăng trưởng kinh tế thế giới.

Thêm vào đó, các nước này đóng góp khoảng 90% vào tiêu thụ dầu, các sản phẩm dầu và kim loại. Các nước mới nổi cũng đang xuất khẩu vốn lớn. Tài khoản thặng dư của Trung Quốc năm ngoái là 11,1% GDP.

Giá dầu tăng cao cũng chuyển thu nhập sang các nước có dự trữ lớn. IMF ước tính là tài khoản thặng dư của các nước mới nổi hiện nay lên đến 729 tỷ USD.

Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers mới đây công bố báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế các nước mới nổi năm 2050(The World in 2050).

Nhóm nước mới nổi có tên E7 bao gồm những nước sau: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Mêhyco, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonexia. Đến năm 2050, quy mô của những nền kinh tế nhóm E7 sẽ lớn hơn quy mô kinh tế nhóm G7 hiện nay khoảng từ 25 đến 75%.

Trong bản nghiên cứu mới nhất này, PWC mở rộng nghiên cứu thêm 13 nước mới nổi nữa, cụ thể đó là Việt Nam, Nigeria, Philippin, Ai Cập, Bangladesh, Pakistan, Malaysia, Thái Lan, Iran, Argentina, Nam Phi, Saudi Arabia, Ba Lan.

Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào khoảng năm 2025 để trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và quy mô tăng trưởng bằng khoảng 130% quy mô kinh tế Mỹ vào năm 2050. Năm 2050, kinh tế Ấn Độ sẽ bằng khoảng 90% quy mô của kinh tế Mỹ.


Ngọc Diệp
Tổng hợp từ IMF, FT, PWC

ngocdiep

Trở lên trên