MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước ngoặt quan trọng của kế hoạch 700 tỷ USD

13-11-2008 - 07:28 AM | Tài chính quốc tế

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ, việc thay đổi kế hoạch giải cứu ngành tài chính Mỹ là cần thiết khi điều kiện thị trường không giống như thời gian trước.

Chính phủ Mỹ đã ngưng lại kế hoạch mua lại một số tài sản có vấn đề. Cụ thể, số tiền còn lại sẽ được giành cho chương trình hỗ trợ vốn và hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng.

 

Đây là một bước đảo ngược đáng kể trong chính sách của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ - ông Henry Paulson, người đã đưa ra quyết định mua lại tài sản như một điểm trọng tâm trong kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD đối với ngành tài chính.

 

Những thay đổi mới trong kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Henry Paulson:
 
  1. Sử dụng khoản 410 tỷ USD để tái cấp vốn và hỗ trợ hệ thống tài chính
  2. Hỗ trợ thị trường thẻ tín dụng, cho vay mua ô tô, khoản vay học phí đối với sinh viên và giảm tỷ lệ thu hồi nhà
  3. Khả năng sẽ có một đợt rót vốn thứ hai vào những công ty không thuộc lĩnh vực tài chính cũng như ngân hàng

Tuy nhiên ông Paulson cũng cho biết Bộ Tài Chính sẽ không tiến hành đợt tái cấp vốn lần thứ 2 cho đến khi Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ lên nhận chức. Ông lý giải cho việc này như sau:”Trước khi tiến hành chương trình hỗ trợ lần hai, chúng tôi cần phải đánh giá được hiệu quả của lần hỗ trợ thứ nhất.”

 

Theo ông Paulson, Bộ Tài Chính Mỹ đang làm việc với FED để phát triển một chương trình hỗ trợ tài chính cho thị trường thương phiếu đảm bảo bằng tài sản, đây là thị trường của các khoản vay tiêu dùng cho người Mỹ.

 
Nguyên nhân của sự thay đổi
 
Ông Paulson nhận xét về thị trường tín dụng tiêu dùng như sau:"40% tín dụng tiêu dùng của người Mỹ được cung cấp thông qua khoản vay thẻ tín dụng, vay mua ô tô, nợ bất động sản…mục đích của thay đổi mới là làm tan băng trên thị trường này. Lãi suất vay tiền của thị trường đã tăng lên mức quá cao và người tiêu dùng khó tiếp cận với tín dụng”.
 

Phát biểu với báo giới, ông Paulson nói:”Vấn đề thiếu thanh khoản đang khiến chi phí vay tiền tăng cao, người dân không còn được tiếp cận với các khoản vay mua ô tô, khoản vay học phí và thẻ tín dụng. Điều này gây ra áp lực lớn đối với người Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng.”

 

Khi được hỏi về liệu ông có hối tiếc khi thay đổi kế hoạch không, ông cho biết :“Tôi sẽ không bao giờ ân hận khi đã thay đổi kế hoạch của mình. Việc thay đổi là phù hợp với điều kiện thực tế đã biến chuyển.”

 

Một số nhà chuyên gia kinh tế thể hiện sự bất bình đối với quyết định này của ông Paulson, họ chỉ trích:”Khi Bộ Tài Chính đưa ra quyết định và nay họ không làm đúng với cam kết của mình, đây là vấn đề quan trọng về uy tín.”

 

Nhóm làm việc của Tân tổng thống Barack Obama cho biết họ sẽ cử bà Madelaine Albright, cựu ngoại trưởng Mỹ, và một đại diện thuộc Đảng Cộng Hòa đến dự hội nghị G20 diễn ra vào cuối tuần này (ngày 15/11).
 
Thị trường đánh giá về sự chuyển hướng của kế hoạch 700 tỷ USD
 

Ông Tom Higgins, chuyên gia kinh tế trưởng tại Payden & Rygel, nhận xét:”Chúng tôi sẽ chờ xem liệu kế hoạch này thành công đến đâu. Việc họ thay đổi kế hoạch trên thực tế là vì việc mua lại các tài sản có vấn đề đã không mang lại kết quả như mong muốn. Hơn nữa, việc định giá cho chính xác các loại tài sản có vấn đề cũng không phải dễ dàng. Bằng cách này, họ tiếp cận được với loại tài sản mà ai cũng có thể mua trên thị trường. Họ không chịu quá nhiều áp lực chính trị với quyết định mới này. Thế nhưng, quy mô của kế hoạch mới này là chưa đủ.”

 

Ông Hinggins dự đoán Quốc hội Mỹ sẽ phải cung thêm tiền vào kế hoạch này và khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi những lợi ích lớn lao mà chương trình mới này có thể mang lại.

 

Một số người chỉ trích Bộ Tài Chính, theo họ đó là vấn đề về sự tín nhiệm với các quyết định đã được đưa ra. Lý do khác là sự chuyển hướng cho thấy thị trường vẫn đầy bất ổn.
 

Theo các chuyên gia, chính phủ nên tập trung vào chính sách thuế và nhiều biện pháp để giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, thay vì áp dụng chính sách tiền tệ không hiệu quả.

 

Câu hỏi lớn lúc này là liệu 700 tỷ USD có đủ để tạo ra thay đổi lớn trên thị trường chứng khoán hóa có bảo đảm bằng những tổ chức cho vay bất động sản trị giá 7,9 nghìn tỷ USD. Trên thị trường này có cả hai tập đoàn cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac.

 

 

Ngọc Diệp
Theo FT, Bloomberg,CNBC

ngocdiep

Trở lên trên