MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các chuyên gia đã biết trước "cơn ác mộng" động đất Nepal

27-04-2015 - 00:10 AM | Tài chính quốc tế

Chỉ một tuần trước trận động đất khủng khiếp, các chuyên gia về địa chấn đã đến Nepal để thảo luận về biện pháp đối phó với “cơn ác mộng chắc chắn sẽ xảy ra”.

Theo báo Anh Telegraph, mới một tuần trước 50 nhà khoa học động đất từ khắp thế giới đã đến Kathmandu để thảo luận biện pháp giúp quốc gia nghèo nàn, chật chội, và hạ tầng yếu kém này có sự chuẩn bị tốt nhất để đối phó với một trận động đất lớn, tương tự như cơn địa chấn năm 1934 khiến cả thành phố hoang tàn.

Các chuyên gia biết họ phải chạy đua với thời gian, nhưng không thể ngờ được rằng động đất lại xảy ra sớm đến thế.

“Đó là một cơn ác mộng chực chờ trở thành hiện thực - nhà địa chấn học James Jackson thuộc ĐH Cambridge (Anh) đánh giá - Những gì chúng tôi nghĩ rằng sẽ xảy ra đã xảy ra đúng như thế”.

Nhưng chuyên gia Jackson không hề đoán được trận động đất dữ dội xảy ra ngay vào hôm qua 25-4. Cơn địa chấn 7,9 độ Richter đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.340 người tại Nepal.

“Một tuần trước đó tôi đi dạo ở ngay địa điểm xảy ra động đất và nghĩ sớm muộn gì khu vực này cũng gặp rắc rối” - ông tiết lộ.

Trên thực tế, giới chuyên gia đều thống nhất rằng một trận động đất mạnh ở Kathmandu sớm muộn cũng xảy ra do khu vực này nằm trên đường nứt gãy tự nhiên. Nhưng vấn đề là Kathmandu, cũng như các thành phố khác ở Nepal, quá đông dân, người dân sống chen chúc nhau, nên khi thảm họa xảy ra số người thiệt mạng là rất lớn.

Nhà địa chấn học Mỹ David Wald cho biết một trận động đất 7,9 độ Richter có thể giết 10-30 người trên 1 triệu dân ở California (Mỹ), nhưng có thể sát hại tới 1.000 người ở Nepal, và 10.000 người ở một số vùng tại Pakistan, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc.

“Động đất là vấn đề của tự nhiên, nhưng hậu quả của chúng có yếu tố do con người tạo ra - chuyên gia Jackson nhấn mạnh - Không phải động đất mà các tòa nhà sụp đổ mới là hung thủ giết người. Nếu bạn sống ở một sa mạc phẳng thì động đất không thể giết bạn. Đương nhiên chẳng ai muốn sống ở đó”.

Các chuyên gia cho rằng mối nguy hiểm mà châu Á phải đối mặt là người dân tập trung quá đông ở các đô thị. Tổ chức Geohazards International cho biết hồi ngày 12-4 có cập nhật một báo cáo từ thập niên 1990 về nguy cơ động đất tại thung lũng Kathmandu.

“Với mức độ tăng trưởng dân số 6,5% mỗi năm và mật độ dân số dày đặc, 1,5 triệu người sống ở thung lũng Kathmandu đối mặt với nguy cơ động đất nghiêm trọng - báo cáo cho biết - Một trận động đất mạnh sẽ giết rất nhiều người, phá hủy hạ tầng và gây khó khăn kinh tế lớn”.

Geohazards International cho biết trong nhiều năm, chính quyền Nepal không đưa ra và xiết chặt các quy định xây dựng cần thiết để chống động đất. Hiện Nepal đã có các quy định này nhưng các tòa nhà cũ không thể chịu nổi động đất.

Chuyên gia Jackson cho biết cái nghèo và nạn ô nhiễm khiến hậu quả động đất tại Nepal càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo Nguyệt Phương

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên