MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các hãng sản xuất lớn sẽ trở lại với xu hướng “Made in USA’’?

20-04-2012 - 16:08 PM | Tài chính quốc tế

37% giám đốc sản xuất của các công ty Mỹ đang lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về nước nhà. Tỷ lệ tăng lên 48% trong các công ty có doanh thu hàng năm trên 10 tỷ USD.

Theo khảo sát trực tuyến được Boston Consulting Group (BCG) thực hiện hồi tháng 2 với sự tham gia của 106 công ty sản xuất có trụ sở đặt tại Mỹ, các nhà sản xuất lớn dường như đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ. Chi phí lao động cùng với chất lượng hàng hóa là những lý do hàng đầu khiến các công ty xem xét đến “re-shoring” – quay trở lại với các nguồn lực trong nước. Hiện nay, một vài công ty đang coi Mỹ như một nước tiêu biểu cho chi phí sản xuất thấp với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo nghiên cứu này, 37% giám đốc sản xuất của các công ty đặt tại Mỹ đang lên kế hoạch hoặc đang chủ động xem xét chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về nước nhà. Tỷ lệ tăng lên mức 48% trong các công ty có doanh thu hàng năm lớn hơn 10 tỷ USD.

Hầu hết những công ty tham gia khảo sát đều dự đoán chi phí lương ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, vì thế chi phí sản xuất ở đây sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với dự tính. Từ các công ty sản xuất cao su và các sản phẩm nhựa cho đến các công ty sản xuất linh kiện máy tính đều đang có xem xét xu hướng “re-shoring”.

Harold Sirkin, đồng tác giả của nghiên cứu này nhận định nền kinh tế sản xuất đang quay trở lại với nước Mỹ. Đến cuối thập kỷ này, với lợi thế nền tảng có nhiều lợi thế cạnh tranh, khu vực sản xuất sẽ giúp tạo ra đến 3 triệu việc làm cho nước Mỹ.

Cũng theo ông Sirkin, các công ty lớn đang xây dựng nhiều hơn các nhà máy có thể được chuyển dịch và cấp vốn dễ dàng hơn. Sirkin dẫn chứng trường hợp của Ford, NCR, MasterLock, SleekAudio, Chesapeake Bay Candle, và Farouk Systems để minh họa cho xu hướng này.

Theo BCG, Mỹ đang trở thành một nước phát triển có chi phí thấp với mức lương thấp hơn ở các nước Tây Âu hay Nhật Bản. Ngày càng nhiều các công ty châu Âu và Nhật Bản “xuất khẩu” các nhà máy sang Mỹ.

Một vài công ty như General Electric Co và Boeing Co cho biết họ đã đi quá xa trong việc đấy hoạt động sản xuất ra ngoài nước Mỹ trong khi chênh lệch về lương đang được thu hẹp lại. GE đã chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất ứng dụng từ Mexico và Trung Quốc về Kentucky.

Caterpillar Inc cũng đã chuyển một vài cơ sở từ Nhật Bản về Mỹ, chọn Georgia làm nơi sản xuất máy kéo loại nhỏ và máy xúc. Công ty chuyên sản xuất máy móc hạng nặng này đang xây dựng và mở rộng 15 cơ sở sản xuất ở Mỹ đồng thời cũng mở rộng sản xuất ở Trung Quốc.

Xu hướng re-shoring có thể sẽ chậm lại hoặc thậm chí đảo chiều nếu giá trị của đồng USD tăng vọt. Theo Viện chế tạo Mỹ và Deloitte, khoảng 600.000 việc làm trong khu vực sản xuất đang còn trống do thiếu nhân công chất lượng cao. Sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng việc chuyển sang tập trung đào tạo sinh viên trong ngành khoa học, công nghệ, chế tạo và toán học. 

Minh Anh 

huongnt

Reuters

Trở lên trên