MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các mốc đáng nhớ trong cuộc đàm phán nâng trần nợ công Mỹ

01-08-2011 - 09:58 AM | Tài chính quốc tế

Lãnh đạo 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa vừa nhất trí nâng trần nợ Mỹ chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi nước Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ.

16/5/2011: Chính phủ Mỹ chạm mức trần nợ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner nói với Quốc hội rằng ông sẽ phải cắt hết các khoản đầu tư vào các quỹ hưu trí cho đến ngày 2/8 để cầm cự trong khi chờ chính phủ đi vay thêm tiền từ thị trường. Ông thúc giục Quốc hội nâng trần nợ công để “bảo vệ uy tín của nước Mỹ và tránh các thảm kịch kinh tế cho người dân”. Thế nhưng, Quốc hội không có động thái nào, rất nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa nói rằng họ sẽ không nâng trần nợ trừ phi Quốc hội và tổng thống Obama đồng ý cắt giảm chi tiêu một cách đáng kể và tìm kiếm mọi biện pháp để kiềm chế nợ.

31/5/2011: Hạ viện Mỹ bác bỏ đề xuất nâng mức trần nợ thêm 2,4 nghìn tỷ USD trong một cuộc bỏ phiếu được tổ chức bởi các nghị sĩ đảng Cộng hòa để gây áp lực buộc ông Obama đồng thời phải cắt giảm chi tiêu. Việc này được xem là một thủ thuật chính trị của Hạ viện – nơi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số - để buộc ông Obama phải đáp ứng yêu cầu của mình.

9/6/2011: Bộ trưởng tài chính Mỹ Tim Geithner cố gắng thỏa thuận với các yêu cầu đòi cắt giảm chi tiêu của đảng Cộng hòa, và cho rằng tăng thuế mới là biện pháp đúng đắn.

23/6/2011: Đảng cộng hòa tuyên bố bế tắc trong đàm phán và đổ lỗi cho đảng Dân chủ cứ khăng khăng đòi xóa bỏ việc giãn thuế cho người giàu và một số ngành nghề kinh doanh khác để thu thêm 400 tỷ USD.

29/6/2011: IMF nói rằng Mỹ cần phải nâng trần nợ công để tránh một “cú shock nghiêm trọng” cho thị trường toàn cầu và nhất là đối với sụ phục hồi kinh tế đang rất mong manh hiện nay. Tổng thống Obama kêu gọi tăng cường tạo ra việc làm, chỉ trích đảng Cộng hòa không chịu xóa bỏ giãn thuế cho người giàu và nhất quyết muốn cắt giảm chi tiêu.

3/7/2011: Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner bí mật gặp nhau để thảo luận về một thỏa thuận hợp tác nhằm tiết kiệm tới 4 nghìn tỷ USD trong vòng hơn 10 năm bằng cách rà soát lại hệ thống thuế và thay đổi một số chương trình phúc lợi xã hội.

5/7/2011: Tổng thống Obama chính thức mời các nhà làm luật đến Nhà Trắng để bắt đầu đàm phán và dự định thống nhất dự luật vào ngày 22/7.

9/7/2011: John Boehner nói rằng thỏa thuận này là không thể đạt được do quan điểm của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là quá khác nhau. Họ chỉ chung nhau một điểm là công nhận sự cần thiết của việc nâng trần nợ công. Ông nói đảng Cộng hòa sẽ không chấp nhận việc tăng thuế mà đảng Dân chủ đề xuất. Thay vào đó, ông kiến nghị cắt giảm ngân sách chính phủ với mức 2 nghìn tỷ USD.

11/7/2011: Ông Obama tuyên bố kêu gọi sự nhượng bộ từ cả hai đảng để nhanh chóng đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công trước ngày 2/8 để tránh nguy cơ vỡ nợ.

12/7/2011: Lãnh đạo nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell đề xuất một phương án dự phòng để tăng trần nợ trong trường hợp hai đảng không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị bác bỏ do có nhiều thủ thuật nhằm gây ảnh hưởng chính trị tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Kế hoạch này sẽ tạo cơ hội cho đảng Cộng hòa trở nên tốt đẹp hơn và tổng thống lại thành xấu xa hơn trong mắt mọi người.

14/7/2011: Standard & Poor nói rằng khả năng họ đánh tụt mức tín nhiệm AAA của Mỹ là 50-50 nếu nước này cứ tiếp tục lâm vào tình trạng bế tắc. Tổng thống Obama cũng tạm dừng các cuộc đàm phán và cho lãnh đạo các đảng 24-36 giờ để đưa ra các kế hoạch hành động.

17/7/2011: Ông McConnel và lãnh đạo đảng Dân chủ Harry Reid bàn bạc về kế hoạch dự phòng của McConnell để cho phép tổng thống Obama nâng mức trần nợ. Obama cũng bí mật gặp Boehner và Eric Cantor tại Nhà Trắng nhưng không đi đến được một thỏa thuận nào cả.

18/7/2011: Bất chấp tất cả những lời kêu gọi nhượng bộ, đảng Cộng hòa vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu cắt giảm và giới hạn chi tiêu chính phủ, đồng thời đòi sửa đổi Hiến pháp Mỹ về sự cân bằng ngân sách.

22/7/2011: Boehner từ chối liên lạc với tổng thống do bất đồng trong việc tăng doanh thu cho chính phủ. Trước đó, ông Obama đã đồng ý cắt giảm 4 nghìn tỷ USD chi tiêu, trong đó có các khoản đầu tư vào an ninh xã hội, chăm sóc người già và người thu nhập thấp.

26/7/2011: Boehner đề xuất một phương án cắt giảm khác với 850 tỷ USD trong 10 năm và 1 tỷ năm 2012 nhưng đã bị phản đối.

29/7/2011: Hạ viện thông qua một dự luật sửa đổi bao gồm cả việc yêu cầu Quốc hội thông qua sửa đổi hiến pháp về cân bằng ngân sách. Reid nói kế hoạch hai bước này là không thể chấp nhận được và do vậy đã bị Thượng viện bác bỏ.

30/7/2011: Đến lượt dự thảo ngân sách của Reid bị Hạ viện bác bỏ. Boehner và McConell nói rằng họ vẫn đang đàm phán với tổng thống và chắc chắn sẽ tránh được khả năng vỡ nợ cho Mỹ.

31/7/2011: Tổng thống Obama và các lãnh đạo quốc hội đạt được thỏa thuận ban đầu về việc nâng trần nợ công của Mỹ. Theo đó, chi tiêu chính phủ sẽ phải cắt giảm 1 nghìn tỷ USD ngay lập tức, và một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để tiết kiệm được thêm 1,8 nghìn tỷ USD trong năm nay. Vòng 2 của việc cắt giảm này sẽ liên quan đến việc soạn thảo lại một số luật sở hữu và thuế, khung dự thảo sẽ được giao cho ủy ban liên hiệp mới. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho hay thỏa thuận cuối cùng tại các cuộc đàm phán vẫn chưa thể đạt được.

Theo Hà Thu – Nhật Minh

VnExpress

ngocdiep

Trở lên trên