MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách ở Trung Quốc: "Canh bạc" ruộng đất

04-11-2013 - 18:45 PM | Tài chính quốc tế

Các chính quyền địa phương đang dựa quá nhiều vào nguồn thu từ việc trưng thu ruộng đất nông nghiệp.

Nhiều người Trung Quốc có thể phàn nàn rằng các cuộc họp chính phủ không mang lại kết quả gì đáng kể, họ có thể nhìn lại Hội nghị Trung ương III khóa 11. Cuộc họp kéo dài trong 5 ngày diễn ra hồi tháng 12/1978 đã thay đổi toàn bộ Trung Quốc.

Hai năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình lên lãnh đạo Trung Quốc, đặt tầm quan trọng của kế sinh nhai lên trên đấu tranh giai cấp, nới lỏng kiểm soát của nhà nước và dẫn lối mở cửa đối với thương mại và đầu tư nước ngoài. 

Từ đó đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 200 USD/năm lên 6.000 USD. Thế giới ghi nhận những thành tựu mà cuộc họp này đạt được bằng cái tên ngắn gọn: “sự trỗi dậy của Trung Quốc”. 

Ngày 9/11 tới, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì một cuộc họp tương tự ở Bắc Kinh. Lần này là Hội nghị Trung ương III khóa 18 với sự tham gia của 200 ủy viên trung ương. Thông thường tiếp theo hội nghị trung ương sẽ là Hội nghị công tác kinh tế trung ương giữa Đảng và chính quyền để bàn thảo các biện pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế và cải cách.

Diễn ra tại một khách sạn được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Bắc Kinh, phiên họp sẽ có tính chất bí mật như thường lệ. Năm 1978, phải mất hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm để tất cả nội dung cuộc họp được công bố rõ ràng. 

Tuy nhiên, ông Tập đã nói với các lãnh đạo nước ngoài rằng đây là phiên họp quan trọng nhất đối với Trung Quốc kể từ năm 1978 – dấu hiệu cho thấy sẽ có những thay đổi lớn. 

The Economist nhận định để đạt được thay đổi lớn, ông Tập nên tập trung vào hai vấn đề đang rất cần cải cách: các doanh nghiệp nhà nước (với hệ thống tài chính đang hỗ trợ chúng) và khu vực nông thôn (nơi người nông dân vẫn chưa có quyền rõ ràng đối với đất đai của họ). 

Cải cách doanh nghiệp nhà nước 

Những cải cách của Đặng Tiểu Bình – cùng với sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 1993 – là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Giờ đây, nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc đã không còn. Những DNNN to lớn về quy mô nhưng hoạt động thiếu hiệu quả khiến môi trường cạnh tranh bị bóp méo đồng thời chiếm hết các nguồn lực tài chính. Phân bổ vốn không hiệu quả khiến khu vực tư nhân và người tiết kiệm gặp nhiều bất lợi. 

Điều này đang gây tổn hại đến sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc. Bởi vậy, khi nói về kế hoạch cải cách lớn chưa từng có, chắc chắn là ông Tập đang thực sự nghiêm túc. Cùng với Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Tập đã triệu tập những chuyên gia tư vấn đi theo đường lối thị trường. Thêm vào đó, với sự kiện Bạc Hy Lai ngã ngựa và khá nhiều quan chức cấp cao phải ngồi tù vì tham nhũng, ông Tập có nhiều quyền lực hơn so với bất kỳ vị lãnh đạo nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình tới nay. 

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là cổ phần hóa DNNN không nằm trong chương trình. Dẫu vậy, bộ phận này cần được cải tổ theo hướng thiên về thương mại nhiều hơn. Cách tốt nhất là chuyển quyền sở hữu sang Quỹ Bảo hiểm xã hội quốc gia (vốn được thành lập để phục vụ dân số đang bị già hóa nhanh chóng). Quỹ này sẽ bổ nhiệm các giám đốc quản lý khối DNNN theo cách vì lợi ích của các cán bộ hưu trí tương lai. 

Ông Tập cũng nên chấm dứt việc các DNNN được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Thêm vào đó, lãi suất, tỷ giá và dòng vốn cần được tự do hóa hơn nữa. Đây là tiền đề để đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi hoàn toàn. 

Cải cách ở nông thôn

Lĩnh vực thứ hai cần cải cách và cũng là quan trọng hơn trong dài hạn là vùng nông thôn. Gần một nửa trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc vẫn sống ở đây. Tuy nhiên, khu vực này khó cải cách chủ yếu cũng bởi nguồn vốn. Chính quyền TW có nhiều quyền chi tiêu hơn so với chính quyền địa phương, đặc biệt là sau gói kích thích tài khóa khổng lồ để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Các chính quyền địa phương thiếu hụt công cụ để tăng nguồn thu ngân sách. Từ lâu nay, các lãnh đạo địa phương đã làm làm giàu bằng cách thu hồi đất của nông dân và bán lại cho các chủ dự án bất động sản. 

Người dân ở nông thôn đổ ra thành phố để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Họ bị đối xử không công bằng, làm những công việc ít an toàn nhất và gặp khó khăn khi tiếp cận với nhà ở, hệ thống trường học và bệnh viện. Trong khi đó, ở nông thôn, người nông dân phải chịu thiệt thòi vì đền bù đất đai chưa thỏa đáng và rõ ràng. 

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Trung Quốc kéo theo việc trưng thu đất nông nghiệp cũng diễn ra ngày càng tăng. Nông dân Trung Quốc không thể bán ruộng cũng như thế chấp đất và nhà. Ngược lại, hàng triệu công dân thành phố có hộ khẩu lại được sở hữu nhà nhờ vào chính sách tư nhân hóa nhà ở thành thị trong thời kỳ cuối những năm 1990.

Cho phép người nông dân có đầy đủ quyền hạn đối với nhà và đất của họ sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Sẽ có nhiều người chuyển ra thành phố - đặc biệt là khi chính sách đăng kí hộ khẩu được cải cách, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi mô hình kinh tế từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng. 

Đây sẽ là một cuộc cải cách rất sâu và rất rộng và câu hỏi là liệu ông Tập có thể vượt qua những yếu tố cản trở để thực hiện hay không. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã phá bỏ nền kinh tế mệnh lệnh và tạo nên điều kỳ diệu. 

Ngày nay, ông Tập không thể nhận được sự ủng hộ của các địa phương nếu như không giúp họ giải quyết triệt để núi nợ khổng lồ. Đồng thời, nhóm lợi ích (điển hình như lãnh đạo các DNNN) chắc chắn sẽ phản đối quyết liệt. 

Dẫu vậy, đây là những điều mà ông Tập buộc phải vượt qua nếu như muốn đem lại thay đổi lớn lao cho Trung Quốc và được lịch sử nhắc đến. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên