MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách tài chính ở Trung Quốc: Dạy lại từ Shibor?

01-07-2013 - 12:17 PM | Tài chính quốc tế

Sự kiện tuần trước là một bài học đắt giá với PBOC cũng như các ngân hàng mà PBOC muốn trừng phạt.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 3, các lãnh đạo mới của Trung Quốc luôn tự hào về cách tiếp cận “không diêm dúa” của họ. Chủ tịch Tập Cận Bình công kích kịch liệt thói xa hoa và những nghi thức rườm rà. Thủ tướng Lý Khắc Cường – người cai quản nền kinh tế - khẳng định nhà nước nên từ bỏ việc can thiệp vào nền kinh tế, bất chấp việc này giống như “tự chặt tay mình”. 

Những động thái mạnh mẽ cùng với đội ngũ lãnh đạo kinh tế mới đã dấy lên hi vọng về cải cách ở Trung Quốc, mặc dù đây là một quá trình đòi hỏi ý chí sắt đá. Ví dụ, quá trình tự do hóa lãi suất sẽ gặp phải sự phản đối của các ngân hàng trực thuộc nhà nước. Ông Lý khẳng định mong muốn giúp các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, điều này khiến các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thất vọng bởi họ là bộ phận đang được hưởng lợi từ thực trạng hiện nay. 

Những lời khẳng định thể hiện quyết tâm luôn nhận được sự chào đón. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tự hỏi liệu có phải đó chỉ là lời nói. Đội ngũ lãnh đạo mới có thực sự sẵn sàng thay đổi mô hình tăng trưởng, chấm dứt tình trạng nguồn vốn đổ dồn vào các doanh nghiệp nhà nước thông qua các ngân hàng cũng của nhà nước? Họ đã chuẩn bị cho việc đối đầu với những tổn thất hay chưa? Và, trong tuần trước, những người hoài nghi bất ngờ nhận được câu trả lời: các lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với tổn thất, kể cả khi đó là điều không cần thiết!

Vết thương xuất hiện trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng đi vay lẫn nhau để bù đắp sự thiếu hụt về nguồn vốn. Giai đoạn này vốn là thời điểm các ngân hàng thiếu hụt tiền mặt bởi nhu cầu tăng cao. Các doanh nghiệp phải rút tiền để đóng thuế trong khi người dân cũng rút tiền để đi nghỉ. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải giữ đủ lượng tiền mặt để đáp ứng đợt thanh tra giữa năm của cơ quan quản lý.  Tuy nhiên, thông thường thì các ngân hàng sẽ trông chờ NHTW (PBOC) bơm tiền nếu thanh khoản xuống quá thấp. 

Và, tuần trước, PBOC đã khiến thị trường hoảng loạn khi từ chối bơm thanh khoản. Lãi suất tăng vọt. Hôm 20/6, lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) chạm mốc cao kỷ lục 13,4%. 

Điều này cần thiết đến mức nào? Rõ ràng là Thống đốc PBOC Châu Tiểu Xuyên đang lo lắng về tình trạng cho vay quá mức. Tốc độ gia tăng nợ xấu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP là dấu hiệu cho thấy các khoản tín dụng không thể giúp ích cho nền kinh tế mà chỉ khiến giá tài sản tăng cao. 

Chắc chắn là PBOC cũng không nản chí trước những mánh khóe của các ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng bán các sản phẩm quản lý tài sản (WMPs) cho nhà đầu tư và các sản phẩm này đáo hạn ngay trước khi quý II kết thúc. Số tiền trả nợ được đổ vào khoản mục tiền gửi của các ngân hàng ngay trước khi cuộc kiểm tra của cơ quan quản lý. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải đi vay để trả tiền cho người mua sản phẩm. Một số ngân hàng nhỏ sẽ không cần đến tiền của PBOC nếu như họ không lờ đi giới hạn cho vay. Do đó, việc PBOC từ chối cho vay là điều dễ hiểu. 

Mike Werner (chuyên gia đến từ hãng nghiên cứu Sanford C. Bernstein) và Ting Ly (chuyên gia của Merrill Lynch) đều tự hỏi liệu có phải PBOC đang lo lắng về điều gì đó nghiêm trọng hơn. Có thể, đó là nỗi lo lắng về việc bảng cân đối kế toán của các ngân hàng phình to quá mức. Theo Lu, rất nhiều ngân hàng nhỏ hơn đã tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng ổn định để vay vốn ngắn hạn từ các ngân hàng khác và cho vay dài hạn. Nếu lãi suất liên ngân hàng ổn định, họ có thể đảo nợ. Tuy nhiên, nếu lãi suất chao đảo, họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cho dù mục đích của PBOC là gì, các ngân hàng nhỏ sẽ là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không có cơ sở tín dụng lớn như các ngân hàng trực thuộc nhà nước, các ngân hàng nhỏ phải phụ thuộc vào các ngân hàng khác hoặc bán WMP cho nhà đầu tư. Một số cũng lỏng lẻo trong việc cho vay, tài trợ cho các tham vọng lớn lao của bộ phận quan chức địa phương. Chắc chắn là Thủ tướng Lý Khắc Cường muốn chỉnh đốn lại các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. 

Dẫu vậy, nếu như những vết thương nằm trong kế hoạch của PBOC, có lẽ mức độ đau đớn là điều mà PBOC chưa hề tính đến. Đà lao dốc của TTCK cũng tâm lý hoảng loạn có lẽ là những nhân tố không nằm trong kế hoạch.

Các NHTW được lập ra để giúp các ngân hàng sống sót với vai trò là người cho vay cuối cùng. Tuy nhiên, xuất thân của PBOC lại hoàn toàn khác. Cho đến năm 1979, PBOC vẫn chỉ là một ngân hàng bình thường, thu hút và sau đó phân bổ lại nguồn vốn. Một số đặc điểm này vẫn còn tồn tại. Có thể, PBOC nhạy cảm với các mục tiêu hơn so với những thảm họa trên thị trường. Nếu đúng là như vậy, sự kiện tuần trước là một bài học đắt giá với PBOC cũng như các ngân hàng mà PBOC muốn trừng phạt. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên