MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện buồn của chính sách thắt lưng buộc bụng

01-03-2013 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà các nước châu Âu đang theo đuổi có phải là một quyết định thông minh và hiệu quả? Rất tiếc, có vẻ như câu trả lời là không.

Sau hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) được tổ chức tại Toronto hồi tháng 6/2010, các nền kinh tế lớn bắt đầu chuyển sang chính sách thắt lưng buộc bụng. Bị ám ảnh bởi thế tình trạng khốn đốn của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, các nhà hoạch định chính lo sợ rằng đất nước họ cũng gặp phải kịch bản vỡ nợ giống như Hy Lạp. Hội nghị đã đi đến kết luận: “Các nền kinh tế phát triển cam kết thực hiện kế hoạch tài khóa sao cho đến năm 2013 sẽ giảm ít nhất một nửa thâm hụt ngân sách và đến năm 2016 sẽ giữ ổn định hoặc giảm tỷ lệ nợ/GDP”.

Khu vực eurozone là tâm điểm của khủng hoảng nợ khiến cả thế giới hoảng sợ và các biện pháp thắt chặt tài khóa được đánh giá là rất cần thiết cho các chính phủ gặp khó khăn. Chính quan điểm này đã thuyết phục được những kẻ ngoan cố không muốn đi theo chính sách thắt lưng buộc bụng (chính phủ Anh là 1 ví dụ điển hình). Trong khi đó, kịch bản trở thành một Hy Lạp thứ 2 đeo bám nước Mỹ, đặc biệt là Đảng Cộng hòa.  

Năm 2013 đã đến và sự thực ra sao? Kế hoạch thắt lưng buộc bụng có phải là một quyết định thông minh và hiệu quả? Rất tiếc, có vẻ như câu trả lời là không. 

Paul de Grauwe, chuyên gia kinh tế đến từ nước Bỉ và đang làm việc tại LSE, cho rằng cuộc khủng hoảng ở các nước eurozone có nguyên nhân từ chính các thất bại trong chính sách của NHTW châu Âu (ECB). ECB đã từ chối đảm nhiệm vai trò là người cho vay cuối cùng, đẩy các nước vào rủi ro thanh khoản. Kết quả là, chi phí đi vay tăng cao bởi người mua trái phiếu bị mất đi niềm tin. 

Trong 1 nghiên cứu mới được công bố, Giáo sư de Grauwe cho rằng có thể coi quyết định mua số nợ của các nước đang gặp khó khăn thông qua chương trình mua đứt bán đoạn (OMT) là bằng chứng cho lập luận trên. 

Nếu như áp dụng OMT sớm hơn, ECB đã có thể chặn đứng sự hoảng loạn khiến lợi suất trái phiếu "nhảy múa". Tuy nhiên, ECB đã không làm như vậy và hàng chục triệu người đang phải chịu đựng sự cùng cực không đáng có. Có thể coi đây là 1 bi kịch.

Không ai có thể chối cãi rằng ngân sách của một vài quốc gia (đặc biệt là Hy Lạp), đang ở trong tình trạng hiểm nghèo. Nghiên cứu của Grauwe chỉ ra 3 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, tỷ lệ nợ/GDP tăng lên ở tất cả các quốc gia ngay cả khi ECB đã thông báo về chương trình OMT. Thứ hai, tỷ lệ nợ/GDP trở thành chỉ số dự đoán không chính xác. Cuối cùng, lợi suất cũng sẽ là yếu tố quyết định mức độ thắt lưng buộc bụng mà 1 quốc gia phải chịu đựng. 

Paul Krugman - nhà kinh tế học đạt giải Nobel và cũng là cây bút kỳ cựu của tờ New York Times – bổ sung thêm 1 nhận xét: các nền kinh tế đang suy thoái sẽ phải trả cái giá khá đắt cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Theo thống kê từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, trong giai đoạn 2009 – 2012, quốc gia nào càng cắt giảm mạnh ngân sách, sản lượng càng bị sụt giảm mạnh. 

Dẫu vậy, vẫn có thể đưa ra 2 lý do giải thích tại sao ECB lại chậm trễ như vậy. Thứ nhất, sự giúp đỡ luôn đi kèm với cam kết thắt lưng buộc bụng. Thứ 2, giống như những lưu ý mà báo cáo của Nhóm tư vấn kinh tế châu Âu vừa đưa ra, vấn đề thực sự của châu Âu nằm ở dòng vốn không ổn định, sự mất cân đối và lợi thế cạnh tranh sụt giảm chứ không phải thâm hụt ngân sách. 

Các quốc gia nằm bên ngoài eurozone đã ở trong 1 vị thế hoàn toàn khác. Họ không cần phải lo sợ về mức lợi suất trái phiếu ngày càng dâng cao của các nước eurozone. Đơn giản là bởi họ không phải chịu áp lực về thanh khoản. 

Đúng ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh hoặc Mỹ phải phản ánh kỳ vọng về mức lãi suất trong ngắn hạn, cộng thêm khoản nhỏ phần bù rủi ro. Dự đoán lạm phát tăng lên sẽ đi kèm với dự đoán lợi suất trái phiếu tăng theo. 

Tuy nhiên, quyết định thắt lưng buộc bụng vẫn là 1 sai lầm lớn. Bạn đã bao giờ nghe nói đến nghịch lý tằn tiện? Nếu như khu vực kinh tế tư nhân tiết kiệm quá mức, khu vực kinh tế công sẽ không thể làm như vậy, trừ khi chấp nhận sự thật là nền kinh tế sẽ suy thoái sâu hơn rất nhiều. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế Anh không thể phục hồi và thâm hụt ngân sách vẫn kéo dài. 

Giống như Simon Wren Lewis (giáo sư đến từ đại học Oxford) đã viết, với những gì đã diễn ra trong suốt những năm qua, rõ ràng là chúng ta cần đến sự thay đổi lớn về chính sách. 

Nhưng chính sách sẽ thay đổi như thế nào? Câu trả lời khá đơn giản. Để hiệu quả, chính sách thắt lưng buộc bụng phải được điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế: mạnh mẽ hơn khi tốc độ tăng trưởng cao và giảm bớt khi tốc độ tăng trưởng giảm. Hơn nữa, mọi cải cách phải hướng đến mục tiêu khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên