MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện tăng thuế của Nhật Bản

03-04-2014 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Từ ngày 1/4/2014, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu áp dụng mức thuế tiêu dùng mới tăng từ 5% hiện nay lên 8% và sẽ tiếp tục được nâng lên 10% vào năm 2015.

Lần tăng thuế này là nhằm cân bằng lại ngân sách của Chính phủ do chính sách Abenomics đòi hỏi mức chi lớn. Hiện Nhật Bản đang là quốc gia có mức nợ công vào hàng lớn nhất thế giới.

Tăng thuế: Tốt hay xấu

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, việc tăng thuế tiêu dùng là bước đi cần thiết để Nhật Bản kiểm soát khoản nợ công đã tăng 230% so với GDP và giúp nền kinh tế huy động thêm 8.000 tỷ yên/năm (tương đương 81,42 tỷ USD).

Lần cuối cùng thuế tiêu dùng của Nhật Bản tăng lên là năm 1997. Khi đó, chính phủ của Tổng thống Ryutaro Hashimoto đã tăng thuế từ 3% lên 5%. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân đã được cắt giảm để bù đắp nhưng việc tăng thuế tiêu dùng cũng không giảm được khó khăn cho người Nhật trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra.

Chỉ 1 năm sau, Tổng thống Hashimoto phải từ chức sau khi đảng bảo thủ Dân chủ tự do của ông (LDP) bị mất đa số ghế ở Thượng viện.

Một tuần trước khi thuế tiêu dùng mới được áp dụng, ngày 23/3, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua khoản chi ngân sách khổng lồ trị giá 95.880 tỷ yên (937,4 tỷ USD) cho năm tài khóa 2014. Đây được xem là một khoản chi lịch sử của đất nước Mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến thứ 2 và được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng tốc trong cuộc đua lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều năm chìm trong suy thoái do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong khoản ngân sách kỷ lục trên, Chính phủ Nhật Bản đặt trọng tâm ưu tiên vào các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực tiềm tàng của thuế tiêu dùng mới với quá trình phục hồi kinh tế.

Mặc dù vậy, việc áp mức thuế tiêu dùng mới lần này được dự đoán tiếp tục gây cú sốc cho nền kinh tế Nhật Bản, khi người dân cũng như các doanh nghiệp trong nước phải chịu tác động trực tiếp do vật giá leo thang và lạm phát có thể tăng. Những số liệu mới nhất cho thấy, áp lực lạm phát đang tăng lên trước thời điểm tăng thuế có hiệu lực (1/4) khi giá cả của hàng hóa tăng cao nhất kể từ năm 1980. Các quan chức đang cố gắng để ngăn chặn sự lặp lại cuộc suy thoái 17 năm trước đây khi chính phủ tăng thuế:

"Chúng ta không thể lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế sau khi tăng thuế" - Naoki Iizuka, nhà kinh tế tại Citigroup Inc tại Tokyo cho biết. “Có thể chính phủ sẽ cần phải có thêm một gói kích thích tài chính trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tung gói kích thích này vào tháng 6 hoặc tháng 7”.

Hiện chi tiêu của các hộ gia đình đã giảm 2,5% trong tháng 2 so với một năm trước đó, mức giảm đầu tiên trong 6 tháng, trái ngược với ước tính trung bình của các nhà kinh tế là tăng 0,1%. Doanh số bán lẻ chậm lại, trong khi thước đo lạm phát gồm năng lượng và thực phẩm tươi sống tăng mạnh nhất kể từ năm 1998.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại, mức thuế tiêu dùng mới sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm và nền kinh tế nước này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu.

Báo The Japan Times đã đưa ra cảnh báo rằng, việc tăng thuế kết hợp với phí bảo hiểm hưu trí cao và sự sụt giảm lợi nhuận, cùng với chi phí cho hàng nhập khẩu cao hơn do đồng yên suy yếu... có thể tước mất của các hộ gia đình 7.500 tỷ yên (74 tỷ USD). Hiện chi tiêu của các hộ gia đình chiếm đến 60% GDP, nên một khi mức chi tiêu thấp hơn có thể nhanh chóng tác động rộng rãi đến nền kinh tế quốc gia này.

Nhà phân tích Anatole Kaletsky của Reuters cảnh báo sẽ có “một cuộc khủng hoảng”. Theo ông, thị trường trái phiếu Chính phủ Nhật Bản đang trong tình trạng bong bóng tài chính khổng lồ, có thể làm nổ tung chương trình cải cách kinh tế táo bạo của Thủ tướng Abe.

Tuy nhiên, Giám đốc nghiên cứu tại JP Morgan ở Tokyo là Jesper Koll, nói với phóng viên tờ The Diplomat rằng, việc tăng thuế tiêu thụ sẽ gây ra một số biến động, nhưng không làm hỏng sự phục hồi đang diễn ra. Không giống như những năm 1997 - 1998, tăng trưởng tín dụng đang tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Nhật Bản hiện đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.

 5 lý do để Nhật Bản tiếp tục nới lỏng tiền tệ

Hiện, đang có nhiều dự đoán rằng chỉ số tăng trưởng yếu trong năm ngoái sẽ thúc đẩy BoJ tung ra các gói kích thích kinh tế mới trong những tháng tới, đồng thời gây áp lực buộc Thủ tướng Shinzo Abe có biện pháp cải thiện khả năng cạnh tranh của quốc gia nhằm kích thích tăng trưởng trong năm 2014. Theo các chuyên gia kinh tế, BoJ có thể sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng tiền tệ vào cuối tháng 4/2013.

Ngày 26/3, Takuji Aida, chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng Société Générale, nói: “Chúng tôi hy vọng, BoJ sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng và định tính (gói QE) trong quý II/2014 để ngăn chặn rủi ro suy thoái trong tăng trưởng kinh tế cũng như rủi ro của việc tăng thuế tiêu dùng”. Ông Aida cũng đưa ra 5 lý do chính để BoJ sớm tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế.

Lý do thứ nhất là mức lạm phát dự báo của thị trường thấp hơn so với mức lạm phát mục tiêu mà BoJ đưa ra là 2%. Ông Aida nói: “Chính sách QE đã làm dấy lên dự báo rằng, nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề là mức lạm phát dự báo của thị trường thấp hơn so với mức lạm phát mục tiêu mà BoJ đưa ra”.

Lý do thứ hai, BoJ cần nhanh chóng hành động nếu muốn đạt được mức lạm phát mục tiêu là 2% vào năm 2015. Đầu năm 2014, BoJ cho biết, mức lạm phát của Nhật Bản trong khoảng 6 tháng sẽ vào khoảng 1,25%. Ông Aida nhận định: “6 tháng dường như quá dài để BoJ có thể đạt được mức lạm phát ổn định là 2%”.

Lý do thứ ba, BoJ cần chứng minh là sẽ làm bất cứ điều gì để chấm dứt giảm phát. Ông Aida cho rằng: “Nếu chính sách của BoJ chỉ nhằm thay đổi các dự báo thì chúng tôi tin rằng, những dự báo của thị trường sẽ không bao giờ gần với mức mục tiêu của BoJ trừ phi ngân hàng này tiến xa hơn so với dự báo của thị trường”.

Lý do thứ tư, để hỗ trợ hai mục tiêu trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe - kích thích tài chính và cải cách cơ cấu thì cần phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

Lý do thứ năm, sau khi lãi suất thực dài hạn về dưới 0, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ cung cấp động lực để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Hiện tại, lãi suất thực trong vòng 10 năm của Nhật Bản là -0,2%.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, BoJ có thể sẽ thực hiện các biện pháp kích thích sau khi các dữ liệu kinh tế được công bố. Khi đó, BoJ sẽ đánh giá tác động của lần tăng thuế giá trị gia tăng đầu tiên và đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, theo một khảo sát của Bloomberg, 38% các nhà kinh tế dự đoán BoJ sẽ thêm vào nới lỏng tiền tệ vào cuối tháng 6/2014 và 73% cho rằng việc này sẽ xảy ra vào cuối tháng 9/2014. Morgan Stanley cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, BoJ rõ ràng sẽ tiến hành nới lỏng các chính sách sau khi xem xét các tác động của đợt tăng thuế giá trị gia tăng đầu tiên và sớm nhất là vào tháng 7 năm nay.

Theo Vũ Anh

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên