MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chaebol Trung Quốc (K2): Nhất thân nhì thế

03-07-2015 - 17:32 PM | Tài chính quốc tế

Vị trí lãnh đạo ở các tập đoàn kinh tế (TĐKT) Trung Quốc thường dành cho con cháu của các lãnh đạo cấp cao trong bộ máy chính trị Trung Quốc. Và chính điều này khiến các TĐKT có thể là mối đe dọa lớn cho cả nền kinh tế lẫn hệ thống chính trị Trung Quốc.

Kinh doanh bằng quan hệ

Như Kỳ 1 có đề cập, lãnh đạo một trong những chaebol đầu tiên của Trung Quốc là Larry Yung (Vinh Trí Kiện), con trai của cựu Phó Chủ tịch nước Vinh Nghị Nhân. Ông Vinh chỉ là thí dụ của hiện tượng phổ biến: con cháu các lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo cấp cao thường nắm vai trò quan trọng trong các TĐKT ở Trung Quốc.

Chẳng hạn, Ôn Vân Tống, con trai cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, là giám đốc của China Satellite Communications Corporation, một hãng truyền thông qua vệ tinh lớn ở châu Á. Người lãnh đạo công ty nắm độc quyền nhà nước về máy quét an ninh là Hồ Hải Phong, con trai cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Giang Miên Hành, con trai cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, kiểm soát một phần Shanghai Alliance Investments, tập đoàn đầu tư quốc gia.

Jeffrey Tăng, con của Tăng Bái An, cựu Ủy viên bộ Chính trị, là quản trị viên của Kaisin Investments, một hãng đầu tư của 2 ngân hàng nhà nước China Development Bank và Citic Capital. Lưu Lạc Phi, con của Lưu Vân Sơn, một ủy viên Bộ Chính trị, là một trong những quản trị viên của Citic Private Equity Fund, một quỹ lớn dưới sự quản trị của nhà nước...

Một trường hợp khá nổi tiếng là Alvin Giang, con trai 29 tuổi của Giang Miên Hành. Alvin hiện là người đứng đầu của một trong những công ty vốn tư nhân lớn nhất nước, đã thu về hàng triệu USD từ 2 cuộc IPO lớn nhất ở Trung Quốc của Alibaba và China Cinda Asset Management.

Alvin tốt nghiệp Đại học Harvard và từng làm chuyên gia phân tích cho bộ phận vốn tư nhân của Ngân hàng Goldman Sachs. Alvin lập Quỹ Boyu Capital ở Hồng Công vào năm 25 tuổi, tính đến tháng 4-2014 quỹ đã huy động 1,6 tỷ USD và sắp sửa hoàn tất huy động thêm 1,5 tỷ USD nữa. Boyu cũng kiếm lợi lớn từ cổ phần từ năm 2011 trong Sunrise Duty Free, nhà điều hành các cửa hàng miễn thuế trong các sân bay ở Thượng Hải và Bắc Kinh.

Thậm chí, có nhiều tập đoàn, công ty xem việc có quan hệ với con cháu lãnh đạo cao cấp như là một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Chẳng hạn, một công ty đồ thể thao Trung Quốc là Xidelong từng khoe một trong những cổ đông của công ty là con trai của Ôn Gia Bảo.

Theo thông tin công bố trên trang web của công ty, Xidelong cho biết CTCP New Horizon, một công ty do Ôn Vân Tống giúp thành lập, đã đầu tư vào Xidelong trong năm 2009. “Có quá nhiều cách để làm đối tác với các gia đình quyền thế. Chỉ cần những người này có phần trong thương vụ là mọi việc đều hợp lệ” - một chuyên viên tài chính cho biết.

Hệ lụy

Vì cấp cao nhất của các TĐKT Trung Quốc luôn dính líu đến chính trị, nên nó sẽ tạo ra nhiều bất cập cho nền kinh tế, thậm chí cả hệ thống chính trị. Một số học giả cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc bây giờ đang tự làm con tin cho những đồng minh xấu của nó. Cheng Li, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc làm việc tại Viện Brookings ở Washington, nói rằng chính phủ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi thông qua cải cách chính trị lớn nhằm tách rời các gia tộc chính trị quyền lực khỏi kinh doanh.

Thí dụ, những thay đổi trong dịch vụ ngân hàng và tài chính có thể ảnh hưởng đến lợi ích của gia đình Chu Dung Cơ, Thủ tướng từ 1998-2003 và là một trong số các kiến trúc sư của hệ thống kinh tế Trung Quốc. Con trai ông, Levin Chu, năm 1998 gia nhập Tổng công ty China International Capital, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của đất nước, và đã giữ chức giám đốc điều hành tại đó trong thập niên qua.

Tương tự, những nỗ lực để mở cánh cửa cạnh tranh trong ngành năng lượng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các thân nhân của gia tộc Lý Bằng, một cựu thủ tướng. Lý Tiểu Lâm, con gái ông, là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của China Power International, 1 trong 5 công ty hàng đầu về năng lượng ở Trung Quốc. Anh trai của cô, Lý Tiểu Bằng, trước đây là người đứng đầu một công ty điện lực lớn, hiện là tỉnh trưởng Sơn Tây.

“Đây là một trong những thách thức khó khăn nhất Trung Quốc phải đối mặt. Bất cứ khi nào họ muốn thực hiện cải cách, con cái của họ có thể nói: Bố ơi, thế còn doanh nghiệp của con thì sao?” - ông Pei, một nhân vật lãnh đạo của Trung Quốc, cho biết. Những công ty dưới sự điều hành của các “con cháu” cũng bị chỉ trích hoạt động thiếu chuyên nghiệp.

Một hệ lụy khác là những tập đoàn, công ty có quan hệ chính trị sẽ dần bóp nghẹt hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc những công ty trong nước có ít quan hệ chính trị hơn. Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, năm 2012 Blackstone Group LP và TPG Capital nằm trong số những công ty toàn cầu bị “đá” ra khỏi thị trường Trung Quốc, thị trường vốn tư nhân lớn thứ hai thế giới.

“Nếu bạn là một doanh nhân, bạn hẳn sẽ biết đâu là sự lựa chọn giữa một người quản lý đòi hỏi rất nhiều phê duyệt và có một quá trình lâu dài, so với một nhà quản lý trong nước đòi hỏi lương cao hơn nhưng có thể rút ngắn các quy trình, thủ tục” - Chris Meads, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Pantheon, một công ty vốn có trụ sở tại London, nói.

Điều này khuyến khích việc các công ty nhắm đến những quỹ đầu tư trong nước hơn là các quỹ nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đối xử với các công ty trong nước nhận USD hoặc các ngoại tệ khác như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tức phải chịu thêm một lớp giám sát từ các cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả đối với những việc như mở một cửa hàng bán lẻ, mà thông thường sẽ không yêu cầu giải phóng mặt bằng.

“Rất nhiều công ty Trung Quốc biết rằng nhận tiền từ bất kỳ quỹ ngoại tệ nào cũng sẽ dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn và họ chỉ có thể đứng bên trong các băng đỏ” - Jessie Jin, một đối tác tại Thượng Hải của GGV Capital ở Menlo Park, California, cho biết.

Ngoài ra, giới quan sát lo ngại việc giao phó hoạt động kinh tế quá lớn vào tay những người có quyền lực chính trị hơn tài năng kinh doanh sẽ dần đẩy Trung Quốc thụt lùi. “Tới một hồi người ta nhận thấy đã có quá nhiều các vị “thái tử Đảng” - Victor Shih, chuyên viên về Trung Quốc ở Đại học Northwestern (Hoa Kỳ), phát biểu.

“Con cháu của những người lãnh đạo ngày nay, con cháu của những người tiền nhiệm, con cháu những người nắm quyền ở trung ương, ở địa phương, con cháu các sĩ quan trong quân đội, trong công an… tổng cộng có thể lên đến mấy trăm ngàn người. Tất cả đều lợi dụng những mối quan hệ để kiếm tiền”.

Theo Hồng Định

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên