MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á có đủ sức chống đỡ với đồng USD quá mạnh?

18-03-2015 - 15:21 PM | Tài chính quốc tế

Kịch bản năm 1997 chắc sẽ không lặp lại ở châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lý do buộc khu vực này phải chuẩn bị tốt.

Nội dung nổi bật:

- Đà tăng của USD và việc Fed sắp nâng lãi suất khiến người ta nhớ lại cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 - 98

- Các nền kinh tế châu Á đã được cải thiện rõ rệt và có thể chống đỡ tốt hơn với khủng hoảng, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến nhà đầu tư phải lo lắng


Liệu châu Á có thể chống đỡ với đồng USD đang ngày càng tăng giá? Hãy xét đến vai trò trung tâm của đồng USD trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997 hay khủng hoảng ở Mỹ Latinh một thập kỷ trước đó. Khi USD giảm giá, thanh khoản ồ ạt chảy vào các thị trường mới nổi, khiến tăng trưởng và giá tài sản tăng vọt. Tuy nhiên, khi tăng giá trở lại, USD ngay lập tức trở thành “cục nam châm” hút tiền từ các thị trường đang phát triển quay trở lại nước Mỹ.

Trong bối cảnh đồng USD đang rơi vào chu kỳ “siêu tăng giá” lần thứ 3 trong 30 năm, các thị trường mới nổi có lý do để lo lắng. Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, số nợ xấu bằng đồng USD dành cho người đi vay phi ngân hàng đã tăng từ 6.000 lên 9.000 tỷ USD – gần bằng sản lượng kinh tế Trung Quốc. Chỉ riêng các công ty Trung Quốc đã nợ ít nhất 1.100 tỷ USD.

Ở các nền kinh tế mới nổi với đồng nội tệ không ổn định như Ấn Độ và Malaysia, phát hành nợ bằng USD có thể là chiến lược khôn ngoan. Với đồng USD tăng mạnh suốt từ đầu năm đến nay (23% so với euro và 13% so với yên Nhật) và Fed chuẩn bị nâng lãi suất, người đi vay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả những khoản nợ cũ chứ chưa nói đến những khoản vay cũ. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích tại sao những tin tức về công ty bất động sản Kaisa của thành phố Thâm Quyến bỗng chốc thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Có thể đây sẽ là công ty Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ trái phiếu USD và gây ra hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền ở nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên, châu Á vẫn còn may mắn vì đang ở trong vị thế sẵn sàng đón nhận các biến động tiền tệ hơn so với năm 1997. “Mọi người đang theo dõi đà tăng của đồng USD với tâm trạng bất an, nhưng thời điểm hiện tại khác xa so với quá khứ”, chuyên gia kinh tế Glenn Maguire đến từ ngân hàng ANZ Singapore nhận định. “Hãy nhớ rằng kể từ năm 1997 đến nay nhiều nền kinh tế châu Á đã có một hành trình xuất sắc. Từ những nền kinh tế thu nhập thấp, họ đã trở thành những nước có thu nhập trung bình, thậm chí là thu nhập cao”.

Maguire đưa ra một vài lý do để lạc quan. Nhìn chung thì các nước châu Á đã không còn neo đồng nội tệ của họ vào USD như trong quá khứ. Cán cân thanh toán không còn là vấn đề nhức nhối, và nhiều nước đã có lượng dự trữ ngoại hối dồi dào. Khu vực ngân hàng của châu Á đã khỏe mạnh hơn và các NHTW cũng minh bạch hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, nếu các thị trường mới nổi trên toàn thế giới chao đảo, châu Á sẽ không miễn nhiễm với khủng hoảng. Chắc hẳn nhà đầu tư vẫn chưa quên năm 2013, khi Fed bắt đầu nói về việc chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng, Ấn Độ và Indonesia đều chứng kiến đồng nội tệ rơi tự do.

Có lẽ châu Á sẽ phải hối tiếc khi để tỷ lệ nợ bằng USD của khu vực phi tài chính ở mức quá cao. Đến giữa năm 2014, tỷ lệ ở quanh mức 10% GDP, không thấp hơn nhiều so với mức 11% của năm 1997.

Mấy tuần gần đây, các NHTW Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc đã khiến thị trường ngạc nhiên với thông báo cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên châu Á không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc khi chính phủ nước này chấp nhận để doanh nghiệp phá sản.

NHTW các nước cũng đã khuyến khích doanh nghiệp giảm bớt hoặc có biện pháp phòng vệ cho các khoản nợ bằng đồng USD trước khi Fed bắt đầu kết thúc chương trình nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, kể cả khi các yếu tố cơ bản đã mạnh khỏe hơn, dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu châu Á là thách thức không nhỏ.

Cả NHTW và các nhà hoạch định chính sách phải chủ động tung ra các biện pháp ổn định nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là các nước phải áp dụng chính sách thận trọng vĩ mô, bao gồm cả hạn chế lưu chuyển vốn để phòng vệ. Các chính phủ phải thu hẹp hơn nữa thâm hụt cán cân vãng lai, chuẩn bị các gói kích thích tài khóa khẩn cấp đồng thời tập trung vào đầu tư để tăng sản lượng cũng như sức cạnh tranh.

Kịch bản năm 1997 chắc sẽ không lặp lại ở châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lý do buộc khu vực này phải chuẩn bị tốt.

Thu Hương

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên