MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á sẽ là nạn nhân nếu bong bóng trái phiếu nổ tung

25-04-2009 - 11:41 AM | Tài chính quốc tế

Bảo hiểm vỡ nợ quy mô lớn không thể giữ được giá trị thực của các chứng khoán định giá bằng USD. Nếu bong bóng này nổ tung, nạn nhân sẽ là các nước Châu Á.

Tổng thống Barack Obama quyết tâm thúc giục các nguyên thủ tăng cường chi tiêu chính phủ để cứu nền kinh tế thế giới. Các nước liên minh châu Âu lại tập trung vào sửa chữa hệ thống quy định tài chính lỏng lẻo. Tuy vậy, với các nước châu Á, vấn đề chính là sự an toàn cho các tài sản định giá bằng đồng USD của họ, vì họ cho rằng núi nợ khổng lồ vẫn còn đang tăng lên của Mỹ sẽ làm đồng USD mất giá.

Phần lớn gói kích thích của ông Obama dành cho các chương trình xã hội thay vì thúc đẩy tăng trưởng, điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề chi tiêu quá mức của Mỹ và trì hoãn sự phục hồi bền vững.

Trên hết, gói kích thích tài khóa chưa từng có, với động thái bơm tiền vào thị trường tín dụng của Cục Dự trữ Liên bang, tiềm ẩn nhiều mối đe dọa. Nước Mỹ có nguy cơ chấm dứt vai trò đồng tiền dự trữ của USD, nhất là khi lưu ý tới khoản nợ 10.000 tỷ USD của Bộ Tài chính, và sẽ còn thêm nhiều nữa do chi phí an ninh, chăm sóc y tế và giải cứu các định chế tài chính.

Một đồng đôla mạnh, đáng tin cậy và ổn định không những có thể phải hy sinh cho lợi ích ngắn hạn của nước Mỹ mà còn tạo ra một nguy cơ với sự ổn định tiền tệ toàn cầu. Trong dài hạn, người Mỹ, để giải quyết mớ hỗn độn kinh tế của mình, tốt nhất nên hạ giá đồng đôla, và tệ nhất là vỡ nợ.

Làm điều đó cũng giống như câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Uống thuốc độc để giải khát”. Lịch sử đã chỉ ra những ví dụ như sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods đầu những năm 70. Rút cục thì chính những người nước ngoài nắm trái vụ nợ của nước Mỹ sẽ phải chịu hậu quả.

Các nhà phân tích đã cảnh báo về sự nguy hiểm của bong bóng trái phiếu Mỹ phồng lên từ cuối năm 2008. Mặc dù bảo hiểm vỡ nợ quy mô lớn có thể giảm thiểu rủi ro tín dụng, nhưng nó không thể giữ được giá trị thực của các chứng khoán định giá bằng USD. Nếu bong bóng này nổ tung, nạn nhân sẽ là các nước Đông Á.

Nền kinh tế nơi đây hiện nắm giữ hơn 1600 tỷ USD nợ của nước Mỹ, chiếm tới 25% số nợ do khu vực công nắm giữ. Tính cả đầu tư trực tiếp, châu Á có thể nắm đến một nửa số trái phiếu kho bạc sở hữu bởi khu vực công. Một số người dự đoán Trung Quốc nắm giữ 1200 tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Nếu đồng đôla sụp đổ, khối tài sản mà gian khó lắm châu Á mới tích lũy được sẽ tiêu tan và quá trình toàn cầu hóa kinh tế cũng chấm dứt.

Không hệ thống tiền tệ quốc tế nào đề xuất một sự thay thế khả dĩ nào. Tuy vậy, chúng ta có thể khiến cường quốc sở hữu đồng tiền dự trữ chính có trách nhiệm hơn bằng cách tạo ra công cụ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ý tưởng cơ bản là biến tiết kiệm của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, thành đầu tư kinh doanh thực thụ thay vì dùng chúng hỗ trợ cho một nước Mỹ vung tay quá chán, cổ phiếu tại các công ty ăn nên làm ra và các dự án cơ sở hạ tầng chẳng chịu mấy rủi ro với một vụ vỡ nợ tiền tệ. Nhưng châu Á không muốn gánh chịu rủi ro của khoản đầu tư này vì thị trường hỗn loạn và thiếu kiến thức về các vấn đề văn hóa, luật pháp và quy tắc kinh doanh tại Mỹ. Tuy vậy, nếu có một kế hoạch bảo hiểm, tiền tiết kiệm từ châu Á sẽ chảy thẳng vào nền công nghiệp đang khát vốn của Mỹ.

Đầu tiên, các nước châu Á có thể đàm phán với chính phủ Mỹ để cho ra đời một thể thức cho vay chống khủng hoảng (CRF). CRF sẽ được sử dụng cùng với nỗ lực của chính quyền liên bang Mỹ để ổn định hệ thống ngân hàng và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cần nhiều vốn ví dụ như đường sắt cao tốc từ Boston đến Washington DC.

Thứ hai, châu Á có thể góp một phần vốn từ trái phiếu kho bạc dưới hình thức CRF để chuyển các khoản nợ khổng lồ thành đầu tư vào cổ phiếu. Mỗi quỹ CRF do một nước tương ứng sở hữu và quản lý. Đổi lại, các nước châu Á sẽ nắm giữ một lượng cổ phiếu thường nhỏ và có thể hoán chuyển được như cổ phiếu ưu đãi.

Thứ ba, chính phủ Mỹ sẽ có vai trò như một nhà bảo hiểm, cung cấp một kế hoạch bảo hiểm khổng lồ để đảm bảo các công ty hay dự án nhận vốn từ CRF không bị phá sản.

Thứ tư, FED sẽ thành lập một tài khoản đặc biệt cùng chính phủ Mỹ với mục đích cung cấp thanh khoản để hoán chuyển nợ thành đầu tư vào công nghiệp tại Mỹ.

CRF sẽ giảm mối lo về một vụ vỡ nợ khổng lồ do đồng đôla sụp đổ. Chương trình này là cách ít tốn kém để giúp đỡ nước Mỹ bằng cách khơi thông luồng vốn đầu tư kinh doanh. Các chính sách theo Keynes thông thường – nới lỏng tài khóa và tiền tệ nhờ bàn tay của chính phủ – không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm mọi chuyện tồi tệ hơn.

Ngô Minh Tuấn
Theo FT

ngocdiep

Trở lên trên