MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á thắt chặt tín dụng, Singapore và Hong Kong rủi ro nhất

12-09-2013 - 11:33 AM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng DBS khẳng định nếu kịch bản thắt chặt tín dụng khiến lĩnh vực bất động sản lao dốc, Singapore và đặc khu hành chính Hong Kong sẽ là hai thị trường bị tác động mạnh nhất ở châu Á.

Theo nhận định của các nhà kinh tế, những ngân hàng với danh mục cho vay lớn trong lĩnh vực bất động sản sẽ đối mặt với nguy cơ cao một khi lãi suất bắt đầu tăng, khiến nhiều hộ gia đình khó có thể thanh toán các khoản vay thế chấp.

Tình trạng này có thể dẫn đến việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng và khiến lĩnh vực bất động sản lao dốc.

Ngân hàng DBS khẳng định nếu kịch bản trên xảy ra, Singapore và đặc khu hành chính Hong Kong sẽ là hai thị trường bị tác động mạnh nhất ở châu Á.

Nhà kinh tế cao cấp Irvin Seah của Ngân hàng DBS cho rằng trong số các nền kinh tế châu Á, Singapore và Hong Kong sẽ là hai nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất một khi lãi suất tăng từ các mức lãi suất thấp trong những năm qua nhờ lượng tiền được bơm mạnh vào nền kinh tế.

Để kích thích tăng trưởng, ngân hàng trung ương các nước phát triển đã duy trì lãi suất thấp trong 5 năm qua. Tuy nhiên, điều này để lại những hậu quả không mong muốn với châu Á, bởi việc tiếp cận dễ dàng nguồn tín dụng với lãi suất thấp đã giúp thị trường bất động sản khởi sắc trong 4 năm qua, nhưng đồng thời cũng khiến mức nợ hộ gia đình tăng ở mức kỷ lục. Tại Singapore và Hong Kong, nợ hộ gia đình tăng cao hơn mức tăng thu nhập trung bình.

Theo báo cáo gần đây của Goldman Sachs, trong giai đoạn 2005-2012, nợ hộ gia đình ở Singapore tăng 63%, trong khi mức tăng thu nhập trung bình là 57%. Tại Singapore, số người vay mua bất động sản đã lên gần 480.000 trong năm nay, tăng 66% so với cách đây 5 năm. Nếu tỷ lệ thế chấp ở nước này tăng từ 1,5% hiện nay lên 3,5%, một hộ gia đình chuyển từ mua căn hộ chung cư bình dân sang nhà riêng sẽ phải trả thế chấp tăng tới 25% và tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình có thể giảm xuống còn 8% thu nhập hàng tháng, thay vì mức 15% hiện nay.

Nợ hộ gia đình cũng đang gia tăng ở Malaysia và Thái Lan. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Rajiv Biswas của HIS nói ngân hàng trung ương ở cả hai nước đang quan ngại về thực tế này. Một khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED - Ngân hàng trung ương nước này) bắt đầu rút giảm chương trình nới lỏng định lượng, lãi suất trên toàn cầu sẽ tăng trở lại.

Dù FED dự kiến sẽ chỉ tăng lãi suất vào năm 2014, song thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự chuyển biến, khi các ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay cố định./.

Theo Việt Hải

huongnt

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên