MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á trông chờ “nội lực” để phát triển kinh tế

16-10-2008 - 21:29 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều năm nay, người châu Á nổi tiếng trên thế giới với xu thế tiết kiệm thay vì tiêu dùng. Nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á đang cố gắng thay đổi thói quen đó.

Người Mỹ và người châu Âu cố gắng thắt chặt chi tiêu. Thời kỳ tới, theo nhiều chuyên gia kinh tế học, kinh tế toàn cầu sẽ có thể bước vào suy thoái. Người tiêu dùng châu Á đang trở nên ngày một lo lắng về việc giá nhà đất hạ và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh.

 

Trung Quốc công bố khoảng 52,7% công ty sản xuất đồ chơi của nước này đã giảm bớt hoạt động trong 7 tháng đầu năm. Phần lớn trong số 3.631 công ty xuất khẩu đồ chơi đã phá sản là công ty có quy mô nhỏ. Tuy nhiên những vụ việc phá sản này diễn ra trước khi ngành ngân hàng châu Âu gặp hạn như hiện nay.

 

Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu dây nhôm cho biết sản lượng xuất khẩu của công ty ông giảm một nửa từ tháng 7 và vì thế họ đã phải cắt giảm ¼ lượng nhân công.

 

Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 8 giảm 0,5% so với một năm trước, và tình hình xuất khẩu tháng 9, theo dự đoán cũng không mấy sáng sủa hơn.

 

Tính đến mùa hè năm 2007, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn là 20-30%/năm, vì thế việc xuất khẩu suy giảm là một cú sốc lớn đối với ngành xuất khẩu nước này.

 

Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thế biết liệu châu Á có thể tăng tiêu dùng hay không. Phần lớn chuyên gia kinh tế cho rằng điều kiện kinh tế hiện tại, thu nhập không có mức cải thiện sẽ không thể khiến người tiêu dùng châu Á chi tiêu nhiều hơn.

 

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét hành vi của người tiêu dùng không thể thay đổi chỉ trong ngắn hạn.

 

Ông Stephen Roach, chủ tịch Morgan Stanley châu Á, tính toán rằng ngay cả với tổng số dân hơn một tỷ dân, lượng chi tiêu tiêu dùng cá nhân trung bình của Trung Quốc hay Ấn Độ vẫn không thấm vào đâu so với chi tiêu của người Đức, với tổng số dân 82 triệu dân.

 

Nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á đang có thay đổi nhất định về chính sách để giúp tăng tiêu dùng người dân. Ấn Độ đã tăng lương cho khoảng 4 triệu công chức nước này với hi vọng họ sẽ tiêu dùng thêm. Chính phủ Ấn Độ cũng khuyến khích các ngân hàng cho vay bằng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trung Quốc cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sau đó cắt giảm lãi suất chủ chốt và giảm thuế.

 

Nhật Bản và Đài Loan đã tăng tiêu dùng chính phủ vào nhiều dự án khác nhau.

 

Khó khăn tại châu Á hiện nay hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây hơn một thập kỷ. Khi đó, phần lớn vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng sụp đổ sau khi vay tiền quá nhiều. Các ngân hàng quá khó khăn về tín dụng, họ phải cắt giảm mạnh hoạt động, đây là điều nhiều người lo ngại sẽ lặp lại đối với Mỹ và châu Âu hiện nay.

 

Từ đó đến nay, ngân hàng châu Á đã thận trọng hơn trong việc cho vay. Thế nhưng vấn đề kinh tế, chủ yếu là thương mại đang lan ra toàn châu Á. Phần lớn các nền kinh tế trong khu vực đã tăng trưởng chững lại trong quý 3.

 

Vấn đề lớn hiện tại không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn là ổn định xã hội. Tình hình chính trị tại Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan gần đây đều hết sức căng thẳng.

 

Dẫu các nhà lãnh đạo châu Á gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu nhờ xuất khẩu sang việc đi lên nhờ nhu cầu nội địa, các công ty châu Á cho rằng không còn sự lựa chọn khác.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng so với các nước châu Á khác Trung Quốc là nước chịu ít ảnh hưởng nhất từ xuất khẩu suy giảm. Cho đến mùa hè năm nay, kinh tế nước này vẫn tăng trưởng cao. Trung Quốc đã tiến hành đầu tư cho các dự án lớn để ứng phó lại tình hình nhà máy đóng cửa hàng loạt và nhiều công ty chuyển công việc sản xuất ra những nơi khác ngoài châu Á.

 

Các nhà kinh tế châu Âu đã giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 8 đến 9% vào đầu năm sau. Đây là vấn đề lớn đối với Trung Quốc khi các quan chức nước này đang cố gắng tạo công ăn việc làm cho 20 triệu người dân di cư ra thành phố mỗi năm.

 

Ấn Độ, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á có thể gặp phải vấn đề nhu cầu nội địa suy giảm và ngành tài chính gặp nhiều thách thức. Có điều may mắn là tình hình sẽ không căng thẳng như cách đây 1 thập kỷ.

 

Kinh tế Nhật đang suy giảm, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chững lại chậm nhất trong 4 năm, nhiều nền kinh tế khác đã giảm tốc đáng kể.

 

Ngọc Diệp
Theo IHT

ngocdiep

Trở lên trên