MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á và những câu hỏi

05-06-2014 - 19:09 PM | Tài chính quốc tế

Chi phí lao động gia tăng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn... là những vấn đề mà doanh nghiệp châu Á cần phải thích nghi.

Trong suốt thập kỷ vừa qua, đã có vô số những bài thuyết trình PowerPoint ca ngợi châu Á với hai “viên đạn bạc”. Đặc điểm nổi bật đầu tiên của châu Á là một thị trường tiêu thụ rộng lớn đang trỗi dậy. Khoảng 30% chi tiêu của bộ phận có thu nhập trung bình trên toàn thế giới được thực hiện ở châu Á. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Brookings, con số chỉ là 20% trong năm 2000 (tổ chức này định nghĩa những người kiếm được 10 – 100 USD mỗi ngày theo phương pháp ngang giá sức mua là bộ phận có thu nhập trung bình). 

Thứ hai, châu Á là “công xưởng của thế giới”. Hiện nay, 47% hoạt động sản xuất trên toàn thế giới được thực hiện ở khu vực này. 

Tuy nhiên, thế giới ngày càng có nhiều câu hỏi dành cho châu Á, trong đó nổi bật là về những vấn đề như chi phí lao động tăng lên, dân số già hóa, kỳ vọng của người tiêu dùng tăng lên và cách mà Internet sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở đây. Doanh nghiệp châu Á cần toàn cầu hóa đến mức độ nào cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Xu hướng chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng đến châu Á. Năm 2010, công ty công nghệ Foxconn Technology (Đài Loan) chứng kiến một loạt ca tự tử tại các nhà máy ở Trung Quốc, nơi hơn 1 triệu công nhân sản xuất các linh kiện điện tử cho nhiều hãng lớn trên thế giới, trong đó có Apple. Phản ứng với tình trạng này, Foxconn đã mạnh tay nâng lương cho công nhân nhằm “bảo vệ công nhân”. Kể từ sự kiện này, tăng lương đã trở thành sự thực được chấp nhận. Theo kế hoạch 5 năm hiện nay của Trung Quốc, mức lương tối thiếu trung bình trên cả nước sẽ tăng ít nhất 13% mỗi năm.

Hệ quả là, các công việc thâm dụng lao động và chỉ yêu cầu trình độ thấp sẽ dịch chuyển sang nơi khác. “Thước đo” chính xác nhất cho xu hướng này là Li & Fung, công ty có trụ sở ở Hồng Kông đang gia công khoảng 16 tỷ USD hàng hóa mỗi năm cho các nhà bán lẻ lớn của Mỹ. 

Li & Fung có hàng chục triệu lao động. Tuy nhiên, ông chủ của công ty này là William Fung cho biết xu hướng đi khỏi Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn tới 40% trong khi ở Bangladesh rẻ hơn 60%. Indonesia, Myanmar và châu Phi cũng sẽ hưởng lợi. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn là một dấu hỏi bởi mặc dù có lực lượng lao động dồi dào, nước này nổi tiếng về tham nhũng và hệ thống chính trị không ổn định.

Sự dịch chuyển có thể chậm hơn đối với những công việc đòi hỏi trình độ cao hơn (như công nhân ở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử). Foxconn đang xem xét khả năng xây dựng nhà máy ở Indonesia, nhưng các hãng khác vẫn bám trụ ở Trung Quốc và cố gắng giảm chi phí bằng cách tự động hóa. 
Các nhà sản xuất ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng lo lắng rằng chi phí lao động tăng lên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất những sản phẩm tinh vi phức tạp hơn và do đó sẽ cạnh tranh với họ. Samsung đang đứng trước làn sóng cạnh tranh từ Lenevo, Huawei và các công ty Trung Quốc khác. 

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng nhận thức được những cơ hội mà già hóa dân số mang lại. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan đều đang bước vào thời kỳ dân số già hóa trong khi Nhật Bản đã là một trong những nước “già” nhất thế giới. 

Ngành hưởng lợi nhiều nhất là y tế. Hiện nay, ngành này chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,8% giá trị vốn hóa của TTCK, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển là 12%.

Kỳ vọng của người tiêu dùng tăng lên cũng là một xu hướng mà châu Á phải thích nghi. Năm 2011, hãng sữa lớn nhất của Trung Quốc là China Mengniu Dairy thừa nhận hàng loạt mẫu sữa bị nhiễm khuẩn. Sau thông tin này, giá cổ phiếu của hãng lao dốc mạnh. 

Dưới sự lãnh đạo của ông chủ mới, China Mengniu Dairy đã thực hiện đổi mới toàn diện. Hãng mua lại cổ phần của một nhà cung cấp lớn để kiểm soát nhiều hơn về chất lượng, đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ với các hãng sửa Đan Mạch và Pháp. Doanh thu và giá cổ phiếu của China Mengniu Dairy đã hồi phục trở lại. 

Rõ ràng là nhu cầu về chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm là đặc tính của sự phát triển về kinh tế. Ở Mỹ, khi tầng lớp trung lưu lớn mạnh, những nhãn hiệu có thể lấy được niềm tin của người tiêu dùng (như Heinz và Birds Eye) đã làm rất tốt. Ở châu Á, đòi hỏi về chất lượng sẽ tăng nhanh hơn so với ở Mỹ vì có vai trò của Internet và mạng xã hội. 

Phản ứng của doanh nghiệp châu Á

Những xu hướng dịch chuyển trên tạo nên cả cơ hội và thách thức. Những mô hình kinh doanh sản phẩm giá rẻ ở châu Âu sẽ khó có thể đứng vững. Năm 2009, hãng xe hơi Ấn Độ Tata Motors triển khai loại xe giá rẻ Nano nhưng đã thất bại. Tuy nhiên, hãng thu về 10 tỷ USD với các sản phẩm xe hơi hạng sang như Range Rovers và Jaguars.

Những công ty xuất sắc đều thích nghi tốt với mô hình này. Công ty bảo hiểm Mỹ AIA đã từ bỏ chiến lược tìm kiếm thị phần bằng mọi giá sang tập trung vào những sản phẩm có giá trị thặng dư cao hơn. AIA cũng mạnh tay đầu tư vào đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh và cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng. 

Năng lượng sạch là ngành có tiềm năng bùng nổ trong bối cảnh người tiêu dùng đòi hỏi môi trường trong sạch hơn. Tuy nhiên, vì cần đến quá nhiều vốn, phụ thuộc nặng nề vào trợ cấp của chính phủ và dễ bị tác động bởi chính sách, đây là ngành ẩn chứa nhiều rủi ro. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên