MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu hi sinh một thế hệ: 17 năm bế tắc vì thất nghiệp

09-10-2014 - 14:30 PM | Tài chính quốc tế

17 năm sau hội nghị thượng đỉnh về việc làm đầu tiên, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang bị chia rẽ trong chính sách tạo việc làm mới trong khi 1/5 số người trẻ tuổi vẫn đang thất nghiệp.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Milan bắt đầu từ ngày 8-10, Thủ tướng Matteo Renzi đã trình bày về dự thảo bộ luật lao động mới của Ý. Tổng thống Pháp Francois Hollande mong muốn đề xuất tăng chi tiêu công nhưng không được Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ.

Riêng Thủ tướng Anh David Cameron không tham dự.

Tiến triển chậm chạp của các nước khiến chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi rất thất vọng khi ông phải giải quyết bất đồng nội bộ để triển khai một chương trình nới lỏng tiền tệ chưa từng có tại châu Âu.

Ông kêu gọi các chính trị gia phải hành động ngay bây giờ và điều chỉnh các chính sách lao động cứng nhắc hiện nay ngay cả khi phải đối mặt với sự giận dữ của những người lao động đang được bảo vệ.

"Cả một thế hệ đang bị hi sinh ở các nước như Tây Ban Nha", Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes cho biết. "Năng suất lao động về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

Thanh niên thất nghiệp - vấn đề nhức nhối

Hội nghị thượng đỉnh Milan tập trung vào tình trạng thất nghiệp của thanh niên bởi đây là vấn đề nhức nhối của 21,6% lao động dưới 25 tuổi trên khắp châu Âu, theo Eurostat. Năm 1997, tỷ lệ này là 21,7%.

“Các nhà lãnh đạo cần thảo luận về các giải pháp tạo thêm việc làm thực sự có ý nghĩa, tránh tình trạng người trẻ vừa thất nghiệp vừa thất học.Việc này đòi hỏi sự kết hợp cung cấp công ăn việc làm trong ngắn hạn, đào tạo nâng cao kỹ năng và tăng cơ hội việc làm trong dài hạn", Subran cho biết.

Vào tháng 2-2013, Liên minh châu Âu quyết định dành ra 6 tỷ euro (tương đương 7.6 tỷ USD) ngân sách để tài trợ cho các chương trình tạo thêm việc làm cho ​​thanh niên giai đoạn 2014 - 2020. Phần lớn gói tài trợ được giải ngân trong hai năm đầu tiên. 

Điểm cốt lõi của chương trình là tạo ra sự bảo đảm để bất cứ ai dưới 25 tuổi đều có một trong hai: việc làm hoặc chương trình đào tạo trong vòng bốn tháng sau khi tốt nghiệp hoặc sẽ trở thành thất nghiệp.

Chia sẻ ngân sách

Chương trình ​​nói trên tập trung các vào khu vực có thanh niên thất nghiệp trên 25%, tức là toàn bộ Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý (trừ vùng đông bắc), khoảng một nửa nước Pháp và một số khu vực đông Đức.

Pháp nhận được phần phân bổ 620 triệu euro vào tháng sáu. Đề xuất 1.1 tỷ euro của Ý được Ủy ban châu Âu chấp thuận trong tháng bảy. Tây Ban Nha được phân bổ 1,9 tỷ euro.

Tại hội nghị Milan lần này, trong khi Pháp muốn mở rộng chương trình và giải ngân nhanh hơn thì Đức phản đối việc thảo luận về giải ngân mới cho đến khi số tiền đã phân bổ được sử dụng hết. Thay vào đó, chính phủ của bà Merkel nhấn mạnh tự do hóa thị trường lao động là con đường tốt nhất để tạo ra công ăn việc làm.

Pháp và Ý cho rằng họ đã từng bước nới lỏng thị trường lao động nhưng những nỗ lực đó sẽ không có kết quả nếu thiếu một nền tảng phát triển kinh tế vững chắc.

Nỗ lực vận động tại Thượng viện

Các Bộ trưởng Lao động sẽ gặp nhau vào bữa trưa trước khi những người đứng đầu chính phủ tham gia vào đầu giờ chiều.

Thủ tướng Renzi đã gặp gỡ đại diện của cả phía doanh nghiệp và công đoàn người lao động vào hôm qua để thảo luận về một “cuộc đại tu” bộ luật lao động của Ý, sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện hôm nay. Các đề xuất xuất mới của ông Renzi nhằm giúp doanh nghiệp sa thải nhân viên dễ dàng hơn đồng thời cung cấp một hệ thống hỗ trợ mới cho những người bị mất việc.

Tình trạng việc làm ở châu Âu có cải thiện sau năm 1997. Tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy trong giai đoạn 2007 - 2008 ở mức 7% tổng thể và 15,7% đối với thanh niên. Tuy nhiên, tỷ lệ này sau đó đã tăng vọt trong cuộc khủng hoảng tài chính.

"Tôi lo lắng khu vực đồng euro đã tách mình khỏi phần còn lại của nền kinh tế thế giới", Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp ở London hôm 6-10. "Nếu không có chiến lược để hỗ trợ tăng trưởng tại khu vực đồng euro, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn".

Khu vực đồng Euro vẫn đang vật lộn để chữa lành vết thương khủng hoảng nợ, năm năm sau khi Hy Lạp công bố thâm hụt quốc gia cao gấp hai lần dự báo và buộc phải chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo của hai gói cứu trợ. Tăng trưởng của cả khu vực rơi vào bế tắc và lạm phát ở mức thấp nhất năm năm.

Khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại Luxembourg vào tháng 10-1997, tỷ lệ thất nghiệp của các nước trong khối vào khoảng 11%. Lúc đó, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, nay là chủ tịch vừa được bổ nhiệm của Ủy ban châu Âu, hứa hẹn một sự kết hợp giữa các giải pháp thị trường tự do và chính sách của chính phủ sẽ đem lại "khởi đầu mới" cho những người trẻ. 

Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp là 11,5%

Theo Hồng Anh

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên