MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu “rùng mình” trong suy thoái kinh tế

25-08-2008 - 07:08 AM | Tài chính quốc tế

Tình hình kinh tế toàn châu Âu nay hết sức khó khăn. Hy vọng vào tăng trưởng xuất khẩu để hỗ trợ tiêu dùng trong khu vực châu Âu đã trở nên mong manh.

Châu Âu đang cố gắng để tránh khủng hoảng kinh tế. Những số liệu công bố mới nhất cho thấy khu vực kinh tế này đang suy yếu với tốc độ khoảng 0,8% trong quý 2, đây là lần đầu tiên kinh tế châu Âu suy giảm như vậy từ năm 2001.

 

Tình hình cho đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa. Một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy tình hình sản xuất và dịch vụ đi xuống khá nhiều trong tháng 7 và đứng ở mức thấp nhất từ năm 2001. Lòng tin của doanh nghiệp ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Đức, Pháp và Ý đã đi xuống đáng kể.

 

Việc kinh tế Ý đi xuống không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi ngay cả trong thời kỳ kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt, nước này vẫn phải cố gắng rất nhiều để duy trì tăng trưởng.

 

Trong lúc đó, tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha đi xuống bởi nước này chịu rất nhiều tác động từ bong bóng nhà đất. Tình hình của Pháp và Đức còn tệ hại hơn hai nước trên rất nhiều.

 

Trên thực tế, GDP của Đức sụt giảm 2%. Một yếu tố lớn khiến kinh tế Đức suy yếu là tình hình xuất khẩu của nước này không mấy thuận lợi. Lượng đơn đặt hàng đối với hàng kỹ thuật của Đức tháng 6 giảm 5% so với một năm trước đó.

 

Thomas Mayer, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Deutsche, cho rằng sự đi xuống của kinh tế Đức đã hết sức rõ ràng. Tuy nhiên vẫn còn một điều may mắn rằng đây là một trong số những nước giàu trên thế giới tránh được sự bùng nổ về giá nhà đất.

 

Không giống như Mỹ, Đức là nguồn cung tín dụng, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này chiếm đến 7,7% GDP năm ngoái. Ông Mayer cho biết hiện nay có một số người Đức cho rằng nước Đức không gây ra khủng hoảng tín dụng, vì thế thật vô lý khi nước Đức phải gánh chịu hậu quả.

 

Gần như không một nước nào tại châu Âu tránh được ảnh hưởng từ khủng hoảng nhà đất. Thời kỳ nhà đất bùng nổ, giá nhà đất tại Tây Ban Nha, Ireland và Pháp còn tăng nhanh hơn tại Mỹ. Và khi thị trường đi xuống, hậu quả tệ hại là điều tất yếu. Thị trường nhà đất Ireland chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc này.

 

Tăng trưởng GDP của Ireland năm 2007 là 6%, nhưng năm nay tỷ lệ này nhiều khả năng sẽ đi xuống. Kinh tế của Ireland không đủ lớn để khiến các nền kinh tế khác đi xuống tuy nhiên kinh tế Tây Ban Nha có tầm cỡ đủ để việc này xảy ra.

 

Tăng trưởng GDP của Tây Ban Nha chiếm 1/8 tăng trưởng của toàn khu vực châu Âu, tuy nhiên lượng tiêu dùng và việc làm của nước này rất lớn. Và nay khi người tiêu dùng Tây Ban Nha khó khăn, doanh số bán lẻ sụt giảm và tỷ lệ lạm phát tăng cao.

 

Sự đi xuống của kinh tế Tây Ban Nha ảnh hưởng khá nhiều tới những nước khác thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Lượng hàng xuất khẩu của Đức và Ý sang Tây Ban Nha đã sụt giảm mạnh từ cuối năm ngoái, điều tương tự xảy ra đối với hàng xuất khẩu của Pháp. Triển vọng doanh thu từ xuất khẩu ra ngoài thị trường châu Âu cũng không mấy sáng sủa khi thị trường Anh và Mỹ đang bên bờ vực suy thoái.

 

Trước đây người ta hy vọng lượng tiêu dùng tại một số vùng của châu Âu sẽ bù lại sự sụt giảm của lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên cho đến gần đây khi mức lương nhân công tại khu vực này không mấy hấp dẫn và giá năng lượng cũng như các mặt hàng tăng quá cao, người dân không thể duy trì tiêu dùng như trước.

 

Người châu Âu ngay cả khi kinh tế thuận lợi họ cũng đã chi tiêu khá cẩn thận thì nay khi kinh tế khó khăn họ sẽ còn chặt chẽ hơn. Tính đến tháng 6 năm nay, doanh số bán lẻ của khu vực sụt giảm khoảng 3,1%. Và nếu người dân có nhu cầu vay tiêu dùng, họ cũng rất khó để biến mong muốn thành sự thật bởi các ngân hàng đồng loạt thắt chặt tín dụng.

 

Tình hình kinh tế châu Âu đẩy ECB vào tình thế hết sức khó khăn.  ECB đã tăng lãi suát lên mức 4,25 điểm phần trăm vào ngày 03/07 để cho thấy mục tiêu chính của họ lúc này là kiềm chế lạm phát hiện nay đã tăng quá mức trần cho phép là 2%.s

 

Tin tức tốt lành mới với khu vực đồng tiền chung châu Âu là giá dầu hạ có thể đồng nghĩa với việc lạm phát tại châu Âu đã tăng hết mức. ECB sẽ còn ngại ngần cắt giảm lãi suất cho đến khi họ chắc chắn rằng kinh tế khu vực châu Âu không còn ám ảnh bởi nỗi lo suy thoái. Nhiều người lo ngại đến khi đó tình hình kinh tế châu Âu đã đi xuống khá mạnh rồi.

 

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên