MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Phi bị đánh cắp (K1): Thực dân kiểu mới

14-01-2013 - 16:42 PM | Tài chính quốc tế

“Năm châu Phi” 1960, 17 quốc gia giành được độc lập. Nhưng 50 năm sau, kinh tế châu lục này vẫn ì ạch mãi. Một số chuyên gia cho rằng châu Phi đang bị “đánh cắp”.

Những công ty đa quốc gia đang ra sức vơ vét tài nguyên thiên nhiên giàu có của châu Phi, trong khi người dân nơi đây vẫn thiếu đói. Dù vậy, các ông chủ công ty giàu có vẫn nghĩ rằng họ đang “ban ơn” cho lục địa đen, trong khi các nước giàu vẫn ra sức rao giảng đạo đức.

Sống nghèo trên đống của 

Thị trấn xinh đẹp Ruschlikon bên hồ Zurich, thường khoảng 5 giờ sáng xuất hiện một người đàn ông thong thả chạy bộ. Hôm nào không chạy bộ thì ông đi bơi, xem như khởi động cho giãn gân cốt trước khi đến văn phòng và làm việc cho tới khi trời tối mịt.

Người đàn ông đó không ai khác hơn Ivan Glasenberg, CEO tập đoàn giao dịch hàng hóa khổng lồ Glencore. Năm 2011, tính riêng mình ông Ivan đã nộp thuế 290 triệu EUR, tức đóng góp tới 2/3 tổng doanh thu thuế của Ruschlikon.

Cùng nguồn thuế từ nhiều giám đốc, giới nhân viên ngân hàng, chủ hãng tàu giàu có khác, Ruschlikon sở hữu một ngân sách dư dả so với nhu cầu chi dùng. Do đó, Ruschlikon đã có thể giảm thuế thu nhập xuống thấp hơn nữa cho các cư dân. Kết quả là Ruschlikon được xem như “thiên đường” trong “thiên đường thuế” Thụy Sĩ, nơi người dân rất giàu nhưng thuế phải đóng rất thấp.

Cách đó vài ngàn cây số về phía Nam, nơi Glencore có các cơ sở khai thác mỏ, là bức tranh trái ngược. Đó là Phi châu, châu lục giàu tài nguyên khoáng sản, ước tính chiếm 9,5 trữ lượng dầu, 8,2% trữ lượng khí đốt, 90% trữ lượng cobalt, 90% platinum, 50% vàng, 33% uranium… của thế giới.

Nhưng cuộc sống người dân thì gai góc, bụi bặm, đói nghèo, lạc hậu. Tại đất nước Zambia, nơi mẹ thiên nhiên đã ban cho trữ lượng đồng lớn thứ 3 trên hành tinh, số người thất nghiệp chiếm tới 80% dân số, 60% người dân phải chật vật xoay xở với mức sống dưới ngưỡng 1USD/ngày.

Tại Congo, những đứa trẻ đen đúa, da bọc xương đã dùng đôi tay trần của mình để đào bới khoáng sản cho Glencore và những công ty đồng nghiệp. Tình cảnh tương tự diễn ra ở các nước châu Phi láng giềng. Nói không ngoa, người dân châu Phi ngồi trên đống của nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo vì hoa lợi chảy vào túi các ông trùm những tập đoàn đa quốc gia, với sự cấu kết của một bộ phận quan chức địa phương tham nhũng.

Thản nhiên chiếm đoạt

Thế nhưng, trong mắt các ông chủ tư bản như Ivan, công ty của họ dường như là đại ân nhân đối với các nước châu Phi. Ivan tuyên bố sự hiện diện của Glencore thiên về trợ giúp phát triển hơn là khai thác hoa lợi.

Chẳng hạn như xây các sân bóng đá, cầu cống, bệnh viện ở Congo; đầu tư vào Zambia tạo ra hàng ngàn việc làm cho dân địa phương, tạo doanh thu thuế cho chính quyền; phát triển các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cao hơn so với quy định sở tại. Cũng như, với danh nghĩa mỹ miều “phát triển nông nghiệp”, các công ty nước ngoài đã thâu tóm đất đai ở châu Phi.

Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) ước tính hơn 194km2 đất đai châu Phi đã bị nước ngoài thôn tính qua hình thức đầu tư phát triển như thế.

Mạng lưới Thông tin và Hành động Thực phẩm Quốc tế (FIAN), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền được có thực phẩm, cho biết: “Chiếm đoạt đất đai tuy không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây nó bùng phát mạnh mẽ và tác động đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất”.

Cuộc khảo sát thực địa do FIAN tiến hành năm 2010 tại Ethiopia đã phát hiện 20% đất trồng của quốc gia này đã hoặc chuẩn bị bán vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty Hoa Kỳ nằm trong số những nhà đầu tư đất đai lớn ở châu Phi.

Thí dụ, Jarch Capital có trụ sở tại New York đã tung tiền mua một khu vực ở Nam Sudan có diện tích tương đương Dubai; Dominion Farms đã mua đất đầm lầy ở Kenya để cải tạo thành nông trại trồng lúa gạo. Dominion bị tố cáo có ý đồ gây ngập lụt các nông trang địa phương nhằm buộc nông dân phải dời đi nơi khác.

Hứa thật nhiều

Tháng 5-2012, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo các nước G8 đề xướng thành lập Liên minh mới vì An ninh lương thực và Dinh dưỡng, đã kêu gọi được sự đóng góp của khoảng 45 công ty đa quốc gia, bao gồm Monsanto, Syngenta, Yara International, Cargill, DuPont, PepsiCo… với cam kết đầu tư tổng cộng 3,5 tỷ USD vào châu Phi.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Yara International cam kết sẽ xây dựng một nhà máy phân bón trị giá tới 2 tỷ USD và Syngenta hứa xây dựng một doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD trong thập niên tới.

Tuy nhiên, những cam kết này không thể xem là quyên góp từ thiện nhằm cải thiện kinh tế và chất lượng cuộc sống cho người dân châu Phi, nói thẳng ra, chúng là kế hoạch kinh doanh.

Thí dụ, ở Kenya (quê cha đất tổ của đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Obama) và nhiều nước châu Phi, phần lớn đất đai cằn cỗi, nông dân cần sử dụng phân bón, do đó phân bón bán đắt giá, có lẽ đó mới là lý do thực sự đưa tới cam kết của Yara.

Và như FIAN nhận xét, từ trước tới nay, mặc cho vô số lời hứa hẹn tạo công ăn việc làm và nâng cao sản lượng thực phẩm cho người dân châu Phi, trên thực tế, các khoản đầu tư nước ngoài khó làm lợi cho những cộng đồng dân cư địa phương, bởi mục tiêu thực sự của chúng là đảm bảo lợi nhuận cho các ông chủ nguồn vốn.

Theo Bảo Trúc
SGĐTTC

huongnt

Trở lên trên