MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược chống lạm phát của Trung Quốc – rủi ro cho kinh tế thế giới

25-12-2010 - 14:55 PM | Tài chính quốc tế

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi chính sách tiền tệ “thận trọng” trong năm tới, sau ba năm liên tục in tiền nhằm đối phó với cuộc suy thoái toàn cầu.

Động thái trái ngược hoàn toàn với chính sách của Fed ở bên kia Thái Bình Dương cho thấy nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đang lo ngại về viễn cảnh chỉ số CPI tăng cao.

Lạm phát liên tục leo thang tại Trung Quốc trong năm qua và hiện đã chạm mức 4,4%. Các nhà hoạch định chính sách nước này cũng đang phải đau đầu với tình trạng bong bóng bất động sản ở các thành phố ven biển.

Tuy nhiên, những biện pháp quyết liệt của Trung Quốc nhằm thắt chặt tiền tệ rất có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, vốn đang dựa nhiều vào sức cầu từ các thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, việc đột ngột kìm hãm đà tăng trưởng sẽ gây ra cú sốc lớn đối với giá cổ phiếu cũng như các loại hàng hóa cơ bản – hai tài sản rủi ro chính trên thị trường.

Trong dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011, các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định cú “hạ cánh bất ngờ” của Trung Quốc và một số quốc gia đang phát triển khác như Ấn Độ và Brazil là mối nguy hiểm đứng thứ hai sau khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro.

Goldman ước tính kinh tế thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5% trong năm tới sau khi đã loại bỏ yếu tố lạm phát. Trong khi đó, giá dầu mỏ dự tính lên mức 105 USD/thùng và thị trường cổ phiếu Mỹ có thể tăng khoảng 23%.

Tuy nhiên, những con số ước đoán này rất có thể bị sai lệch hoàn toàn nếu như kinh tế Trung Quốc đột ngột giảm tốc sau khi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn được triển khai.

Động thái của Trung Quốc được tuyên bố một ngày sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu hoãn chấm dứt thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng – biện pháp được sử dụng trước đó nhằm tăng thanh khoản cho các ngân hàng bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng trong khu vực.

Cùng thời điểm đó, Fed cũng phải hứng chịu nhiều sức ép chính trị về kế hoạch mua vào trái phiếu chính phủ giữa lúc bóng ma lạm phát đang dần rõ nét.

Những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như áp dụng một số công cụ hành chính khác.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Xianfang Ren thuộc IHS Global Insight cho rằng việc thắt chặt tiền tệ lần này là nhằm đối phó với làn sóng tăng giá lương thực thực phẩm.

Xianfang nhận xét trong bản tư vấn dành cho khách hàng: “Thông điệp của Bộ chính trị Trung Quốc rất rõ ràng và mạnh mẽ, cho thấy nước này sẵn sàng thi hành những chính sách quyết liệt hơn nữa để đối phó nếu tình hình lạm phát lan rộng từ thị trường tài sản sang thị trường hàng hóa, hay từ giá lương thực thực phẩm sang các mặt hàng khác”.

Cùng lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp gây thất vọng ở Mỹ được công bố, hé lộ khả năng Fed sẽ dồn trọng tâm vào kế hoạch nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) trị giá 600 tỷ USD.

Trong loại hình chính sách hiếm thấy này, ngân hàng trung ương sẽ mua lại lượng lớn trái phiếu chính phủ được phát hành bằng cách in tiền.

Kế hoạch của Fed được mở rộng đồng nghĩa với việc dòng tiền càng chảy mạnh hơn vào Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác.

Do đó, sức ép lạm phát đè lên vai nhà hoạch định ở các nước này ngày càng nặng hơn, buộc họ phải có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn CPI gia tăng.

Kết quả tất yếu là tình trạng căng thẳng trong thương mại toàn cầu như nửa cuối năm 2010 sẽ không giảm bớt.

Tuy nhiên nhiều người vẫn lạc quan và tin tưởng hoàn cảnh khó khăn trước mắt không phải là không có những yếu tố tích cực.

“Sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường lâm vào tình trạng hoảng loạn chu kỳ trước hàng loạt vấn đề trên, nhưng chúng tôi không cho rằng nó có thể làm chậm nhịp những bước tiến bộ cơ bản của nền kinh tế” – Các chuyên gia Goldman Sachs kết luận trong báo cáo của họ.

Hoàng Sơn

Theo Fortune

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên