MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉnh đốn S&P, Moody's và Fitch thế nào?

25-03-2009 - 17:13 PM | Tài chính quốc tế

Các công ty xếp hạng đã từng làm cho nhà đầu tư dồn tiền cho những loại chứng khoán giờ gần như vô giá trị và đang làm tắc nghẽn hệ thống tài chính.

Tháng 7 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đưa ra một báo cáo trình bày tỉ mỉ các hãng xếp hạng lớn đã tiếp tay cho sự sụp đổ của thị trường tín dụng dưới chuẩn thế nào.

 

Bằng cách đánh giá cao một cách sai lầm chất lượng các chứng khoán nguy hiểm phố Wall đang phát hành hàng loạt, các công ty xếp hạng làm cho nhà đầu tư dồn tiền cho những loại chứng khoán giờ gần như vô giá trị và đang làm tắc nghẽn hệ thống tài chính.

 

Nhiều người tại các hãng xếp hạng đã nhận thức được những rắc rối âm ỉ. Tháng 12/2006, một nhà quản lý tại Standard & Poors gửi mail cho đồng nghiệp: “Hy vọng chúng ta đều nghỉ hưu và giàu có trước khi cái tổ chức tồi tệ này suy yếu."

 

Chính các hãng xếp hạng — Moody's, Standard & Poor's, và Fitch — giờ cũng chẳng biết chốn vào đâu. Tháng 10, CEO của các công ty này chịu sự trừng phạt của Quốc hội, và đến tháng 4, luật sẽ có hiệu lực, chủ yếu tập trung vào gót chân Asin của hệ thống đánh giá: các công ty thường trả tiền để đánh giá tín dụng cho chính mình, do đó, tạo ra cho các hãng xếp hạng một sự xung đột lợi ích lớn khi chính họ cũng muốn bám chặt lấy hoạt động kinh doanh này.

 

Các sản phẩm cấu trúc tài chính được xếp hạng tốt – bao gồm cả những sáng tạo quỷ quái như CDO (trái vụ bảo đảm bằng nợ) – trở thành nguồn lợi nhuận chính cho các hãng đánh giá trong thời kỳ bùng nổ. Cho đến giữa năm 2007, khoảng 37.000 nhà phát hành được xếp hạng cao nhất; hàng ngàn công ty đã bị đánh tụt hạng kể từ thời điểm đó.

 

Bên cạnh những điều khác, quy định mới của SEC yêu cầu các công ty nói rõ đánh giá của họ đúng đến đâu, và cấm các công ty đánh giá các chứng khoán do mình giúp phát hành.

 

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng quy định này chưa đạt yêu cầu, trong số đó có lẽ còn có cả Chủ tịch mới của SEC, Mary Schapiro. Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 11/3, hai tháng sau khi được phê chuẩn vào vị trí của mình, Schapiro nói, “thành thực mà nói tôi cũng không chắc liệu như thế đã đủ chưa.”

 

Ngày 15/4 tới, SEC sẽ tổ chức một hội nghị bàn tròn để nghe các hãng xếp hạng phát biểu xem họ đã làm gì để cải thiện tình hình, và cả từ những người cho rằng toàn bộ mô hình người phát hành trả tiền cần phải bị loại bỏ. “Nhiều người đã có những đề xuất thật xác đáng, chúng tôi muốn mời họ đến và phát biểu ý kiến của mình,” Schapiro nói trước Quốc hội.

 

Một ý tưởng mới của Eric Dinallo, nhà quản lý bảo hiểm bang New York, trên Wall Street Journal ngày 3/3, cho rằng nên để giới chức ngành bảo hiểm dàn xếp quá trình xếp hạng, vì các nhà bảo hiểm là những người mua trái phiếu được xếp hạng lớn nhất. Cơ quan quản lý sẽ thu phí từ các công ty bảo hiểm và dùng tiền này trả cho việc xếp hạng. Nếu việc xếp hạng quá lạc quan hay thiếu chính xác, cơ quan quản lý sẽ chuyển sang một công ty đánh giá khác..

 

Ý tưởng này tương tự với các đề xuất chính sách kinh tế trong một cuốn sách xuất bản gần đây do các giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York viết. Theo đó, một công ty muốn được đánh giá công nợ sẽ phải trả phí cho một tổ chức duy nhất do chính phủ điều hành, tổ chức này sẽ chọn các công ty xếp hạng.

 

Các công ty sẽ được đánh giá dựa trên độ chính xác các xếp hạng của mình. “Nó giúp tránh được sự xung đột lợi ích,” Matthew Richardson, Giáo sư kinh tế tài chính ứng dụng tại Stern nói.

 

Nhưng một số chuyên gia tài chính cho rằng, nếu cứ tập trung tranh cãi xem ai sẽ trả tiền xếp hạng thì sẽ bỏ qua một vấn đề lớn hơn nhiều. Kể từ những năm 1930, chính các nhà quản lỷ cũng dựa vào đánh giá của các hãng xếp hạng tư nhân – do vậy đã ban cho các công ty này vị thế quá cao, lại không chịu sự cạnh tranh nên khó giữ họ trung thực được.

 

Mở đầu là các nhà điều tiết lĩnh vực ngân hàng năm 1936, rồi đến các bộ phận khác của chính phủ, giám sát mọi thứ từ các công ty bảo hiểm đến các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ, đều nhờ đến sự chỉ dẫn từ các hãng đánh giá.

 

Ý tưởng ban đầu là tốt. Xếp hạng là một công cụ đánh giá độ an toàn của các định chế tài chính. Nhưng cuối cùng lại tạo ra một hệ thống trong đó nhận được một mức đánh giá cụ thể tương đương với “chìa khóa mở cửa thị trường”, theo cách nói của Giáo sư Frank Partnoy tại Đại học San Diego.

 

Năm 1975, trong một nỗ lực xác định tốt hơn tổ chức xếp hạng trái phiếu hợp pháp, chỉ định các tổ chức thống kê xếp hạng cấp quốc gia được tín nhiệm (NRSROs). Ngày nay, nếu bạn là ngân hàng, quỹ hưu trí hay công ty bảo hiểm, bạn sẽ có một công ty nắm trong tay sự an toàn các khoản đầu tư của bạn – chúng an toàn vì một NRSRO đã nói với bạn như thế.

 

Tất nhiên là trừ khi không phải vậy. Giờ chúng ta có hàng đống bằng chứng việc đó xảy ra thế nào.

 

Vì vậy một vài chuyên gia tài chính lập luận rằng câu trả lời chính xác cho vấn đề các công ty xếp hạng là từ bỏ ý niệm rằng NRSRO là tiêu chuẩn vàng, phải loại chúng ra khỏi các điều luật. Nói cách khác, để các công ty tài chính và các nhà đầu tư tự đánh giá, bằng khả năng của mình hay trả tiền để có các xếp hạng – liệu các khoản đầu tư của mình có đáp ứng được yêu cầu hay không.

 

Thực tế, SEC đã đề xuất một dạng như vậy vào tháng 7. Cơ quan này cho rằng nên thay đổi một số quy định dựa trên điểm xếp hạng vì việc sử dụng sự lựa chọn của các NRSRO “có thể khuyến khích nhà đầu tư đặt niềm tin quá mức vào xếp hạng tín dụng do các tổ chức này đưa ra.”. Ví dụ như quỹ hỗ tương thị trường tiền tệ hiện chỉ được nắm giữ các tín phiếu được xếp hạng cao. Xếp hạng cao hay không lại do các hãng đánh giá xác định. Trong lời bình luận về đề nghị sửa đổi quy định, người bán cho các quỹ tiền tệ do dự trước việc không thể sử dụng ý kiến các công ty đánh giá để được chấp thuận phát hành. Quy định này đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

 

Ít nhất cho đến bây giờ, cuộc tranh cãi về các hãng xếp hạng vẫn còn đang tiếp diễn.

 

Ngô Minh Tuấn

Theo Time

ngocdiep

Trở lên trên