MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ châu Á nỗ lực ngăn khủng hoảng tài chính

07-10-2008 - 17:37 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonexia đang làm mọi biện pháp có thể để ngăn khủng hoảng tài chính và kiềm chế lạm phát.

Nga đã đồng ý cho ngân hàng Trung ương của Iceland vay 4 tỷ Euro (tương đương 5,43 tỷ USD) để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính Iceland. Khoản vay này sẽ có thời hạn khoảng 3 đến 4 năm.

 

Ấn Độ có thể giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các ngân hàng khi khủng hoảng tài chính khởi đầu với việc một loạt các ngân hàng cho vay tại Mỹ và châu Âu sụp đổ.

 

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hôm qua đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức 8,5% từ mức 9% trước đó. Động thái này sẽ giúp bơm thêm 4,2 tỷ USD vào hệ thống tài chính.

 

Hàn Quốc sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối của nước này để cung cấp cho hệ thống tài chính nội địa khi cần.

 

Hàn Quốc có lượng dữ trữ ngoại hối lớn từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra 10 năm trước đây và nay nước này là nước có trữ lượng ngoại tệ lớn thứ 6 trên thế giới. Dự trữ ngoại tệ nước này giảm đến tháng thứ 5 liên tiếp bởi các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải dùng dự trữ này ngăn sự trượt giá của đồng won.

 

Hôm nay, đồng won của Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong 06 năm do lo ngại việc thắt chặt tín dụng toàn cầu sẽ khiến các ngân hàng nước này gặp không ít khó khăn. Chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc giảm 2,1%. Thị trường chứng khoán nước này đã giảm 7 phiên liên tiếp.

 

Theo ông Lee Sang Jae, chuyên gia kinh tế tại Hyundai Securities Co. ở Hàn Quốc, tình hình hiện nay của Hàn Quốc khá hơn nhiều so với cuộc khủng hoàng tài chính châu Á cách đây 10 năm. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn lo ngại bởi nước này phải chịu ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng toàn cầu.

 

Trong ngày hôm nay, BoJ đã duy trì lãi suất cơ bản đồng Yên ở mức 0,5% và thừa nhận, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể ngưng lại, đồng thời nhận định, viễn cảnh kinh tế Nhật ở thời điểm này là khá mờ mịt. BoJ cho rằng, kinh tế Nhật sẽ khởi sắc “trong dài hạn”.

 

Ngân hàng Trung ương Indonexia đã thay đổi chính sách của mình để cho thấy trọng tâm hiện nay của chính phủ này là kiềm chế lạm phát và tăng giá đồng rupiah. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước này đã sụt giảm hơn 10% trong ngày hôm qua trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng toàn cầu lan rộng.

 

Ngân hàng Trung ương Indonesia hôm nay đã tăng lãi suất cơ bản từ mức 9,25% lên mức 9,5% để chống lạm phát. Mức lãi suất này, theo các nhà hoạch định chính sách kinh tế, là phù hợp để kiềm chế giá tăng trong khoảng 6,5% cho đến 7,6% trong năm sau.

 

Vĩnh Hà
Tổng hợp từ Bloomberg, CNBC

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên