MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ Mỹ đang lặp lại sai lầm chính sách cách đây hơn 70 năm?

13-07-2011 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Năm 1937, khi quá tự tin vào khả năng tăng trưởng của kinh tế Mỹ, chính phủ đã vội vàng giảm mạnh chi tiêu và tăng thuế quá cao. Hậu quả, kinh tế Mỹ lại suy thoái 1 năm.

Tác giả bài viết là ông Bruce Bartlett, người từng nắm vị trí chủ chốt trong chính quyền cựu Tổng thống Reagan và Tổng thống Bush.

Báo cáo về thị trường việc Mỹ mới công bố ngày thứ Sáu vừa qua cho thấy kinh tế vẫn tăng trưởng yếu, áp lực ngưng các chính sách kích thích và bắt đầu thắt chặt chính sách tài khóa tiền tệ giảm bớt.

Fed đã chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng và nhiều chủ tịch khu vực của Fed đang yêu cầu nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát.

Nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ dường như thống nhất rằng chương trình giảm chi tiêu cần đi kèm với mục tiêu nâng trần nợ Mỹ.

Một số chuyên gia kinh tế đang trở nên hết sức căng thẳng. Khi kinh tế vẫn đang trong tình trạng tăng trưởng yếu kém, sẽ không khó để kinh tế lại rơi vào suy thoái. Dù chính sách tài khóa hay tiền tệ chỉ bị thắt chặt một phần cũng đủ để khiến kịch bản trên xảy ra.

Dường như kịch bản năm 1937 đang trở lại với kinh tế Mỹ. Số liệu lịch sử cho thấy kinh tế đã hồi phục mạnh sau khi rơi xuống đáy vào năm 1932 (GDP năm 1932 sụt giảm 13%). Xu thế đi xuống của nền kinh tế trở nên rõ nét vào năm 1933 và vào năm 1934, GDP tăng trưởng ấn tượng 11%.

Năm 1935 và năm 1936, kinh tế tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn lại một nửa so với mức đỉnh; giảm phát, vốn ở tâm điểm các vấn đề kinh tế của nước Mỹ, dịu bớt.

Đến năm 1937, chính quyền cựu Tổng thống Roosevelt và Fed tin rằng kinh tế đã tăng trưởng tốt và bắt đầu lo lắng về việc giảm bớt đi các chính sách kích thích tài khóa, tiền tệ, cái mà họi coi sẽ gây áp lực lên tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao. Các nhà hoạch định chính sách thực sự muốn đưa chính sách trở lại bình thường, kể cả chính sách tiền tệ và tài khóa.

Trên mặt trận chính sách tài khóa, cựu Tổng thống Roosevelt chịu sức ép từ phía Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Morgenthau khi đó. Ông Henry Morgenthau lo lắng về vấn đề niềm tin kinh doanh và cho rằng cần phải cân bằng ngân sách.

Ông Henry Morgenthau tin sự phục hồi của kinh tế phụ thuộc vào niềm tin của doanh nghiệp và chỉ có ngân sách cân bằng mới giữ được niềm tin đó.

Cựu Tổng thống Roosevelt yêu cầu giảm mạnh chi tiêu liên bang vào đầu năm 1937. Chi tiêu liên bang giảm xuống còn 7,6 tỷ USD vào năm 1937; 6,8 tỷ USD vào năm 1938 từ mức 8,2 tỷ USD vào năm 1936. Như vậy chỉ trong 2 năm, chi tiêu liên bang đã giảm tới 17%.

Cùng lúc đó, thuế tăng mạnh. Doanh thu liên bang lên mức 5,4 tỷ USD vào năm 1937 và 6,7 tỷ USD vào năm 1938 từ mức 3,9 tỷ USD vào năm 1936; mức tăng 72%.

Thâm hụt ngân sách liên bang giảm từ mức 5,5% GDP vào năm 1936 xuống mức 0,5% GDP vào năm 1938. Năm 1938, nước Mỹ chịu thâm hụt ngân sách 89 triệu USD.

Cùng lúc đó, Fed hết sức lo lắng khi lạm phát ở mức cao so với trong lịch sử. Từ tháng 8/1936 đến tháng 5/1937, Fed nâng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn, lượng tiền mà các ngân hàng có thể cho vay giảm đi, tín dụng bị thắt chặt.

Chính sách tiền tệ và tài khóa đồng loạt bị thắt chặt. Kinh tế Mỹ bắt đầu bước vào suy thoái vào tháng 5/1937 và đến tháng 6/1938 kết thúc. GDP thực hạ 3,4% vào năm 1938; tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 12,5% từ mức 9,2% vào năm 1937.

Các chuyên gia kinh tế hiện vẫn tranh cãi về nguyên nhân thực đằng sau việc kinh tế Mỹ suy thoái giai đoạn 1937 -1938. Dù phần lớn các chuyên gia cho rằng nó có nguyên nhân từ việc thắt chặt chính sách tài khóa, số khác không đồng ý. Có lẽ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn nếu chính phủ chỉ thắt chặt chi tiêu mà không tăng thuế quá mạnh.

Xét đến chính sách cắt giảm ngân sách của Tổng thống Obama hiện nay, câu hỏi quan trọng chính là: chính sách tài khóa sẽ bị thắt chặt đến đâu và tốc độ như thế nào? Nếu giảm đầu tư và chi tiêu công quá mức, ảnh hưởng sẽ rất tồi tệ.

Dù chắc chắn Fed sẽ không lặp lại sai lầm của những năm 1936 – 1937 là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lãi suất liên bang, Fed đã bắt đầu thắt chặt chính sách bằng cách hướng chính sách tiền tệ theo hướng trung lập hơn.

Rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái lần 2 còn thấp nhưng đang tăng lên. Xét đến sự mong manh của quá trình phục hồi kinh tế Mỹ, các nhà hoạch định chính sách cần phải cực kỳ cẩn thận. Bài học kinh nghiệm năm 1937 – 1938 chưa bao giờ cũ.

Ngọc Diệp
Theo Nytimes

ngocdiep

Trở lên trên