MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách sai lầm dẫn đến khủng hoảng lương thực

21-05-2008 - 15:25 PM | Tài chính quốc tế

Những nước nghèo trên thế giới đang phải trả giá cho chính sách nông nghiệp sai lầm nhiều năm trước đây.

Nhật Bản không cần đến nguồn gạo nhập khẩu từ nước ngoài và các nhà lãnh đạo nước này cũng không muốn sử dụng nó. Trên thực tế, nông dân Nhật Bản đã có thặng dư lớn trong năm 2007 và chính phủ nhiều thập kỷ nay đã cố gắng bảo vệ nông dân khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Gạo nhập khẩu vào Nhật bị cất trong kho nhiều năm và cuối cùng bán rẻ, sử dụng như hàng viện trợ hoặc cho gia súc gia cầm ăn. Nhật Bản là nước nhập khẩu gạo lớn vì một lý do duy nhất: Tổ chức Thương mại Thế giới yêu cầu nước này phải làm như vậy.

Năm 1993, WTO đã yêu cầu Nhật nhập khẩu lượng gạo từ 4 đến 7% tổng lượng tiêu thụ gạo nội địa. Kết quả là năm ngoái Nhật phải nhập khẩu 770 nghìn tấn gạo, điều này phần nào khiến tình trạng thiếu lương thực và bất ổn trên toàn cầu tăng cao.

WTO yêu cầu Nhật nhập khẩu gạo với danh nghĩa tự do thương mại. Bằng việc hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp trong nước thông qua trợ cấp nhiều, Tokyo và nước láng giềng Hàn Quốc đã khiến người tiêu dùng nước này phải trả tiền cao từ 3 đến 4 lần mức giá thực phẩm trung bình trên thế giới. Thái Lan, với chi phí sản xuất nông nghiệp thấp hơn, đã có thể giúp người dân nước này có thể mua thực phẩm với giá thấp hơn.

Những bất cập trong chính sách về nông nghiệp và lương thực của các nước như Nhật Bản là một trong những căn nguyên gây nên khủng hoảng lương thực. Chính các rào cản nhập khẩu gạo như ở Nhật Bản đã khiến các nước sản xuất gạo, hầu hết là các nước đang phát triển, bị hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và dần dần thu hẹp sản xuất.

Khi sự thu hẹp này làm giảm nguồn cung và khiến giá gạo tăng cao, một số lượng lớn gạo vẫn được mua vào và không được sử dụng hiệu quả đã góp phần đẩy giá gạo lên cao hơn.

Như vậy hai yếu tố lớn nhất dẫn đến khủng hoảng lương thực hiện nay là hệ thống thương mại nông nghiệp toàn cầu bị bóp méo. Những nước giàu, chủ yếu là Mỹ và một số nước châu Âu đã trợ giá rất nhiều cho nông nghiệp và sau đó đẩy trữ lượng thực phẩm của họ sang thị trường những nước mới nổi.

Yếu tố khác là sự thiếu đầu tư vào nông nghiệp tại thế giới các nước đang phát triển bởi một số nhà lãnh đạo cho rằng nguồn thực phẩm nhập khẩu giá rẻ sẽ luôn đứng ở mức giá như vậy. Theo chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế, đơn giản chính phủ các nước này không ưu tiên chính sách phát triển nông nghiệp lên hàng đầu.

Khủng hoảng lương thực hiện nay còn trầm trọng hơn cũng vì lý do tầng lớp trung lưu ngày một giàu có tại các nước mới nổi đang tiêu thụ ngày một nhiều thực phẩm.

Diện tích đất nông nghiệp hiện nay bị thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm. Diện tích nông nghiệp giảm mạnh ở Trung Quốc là do chính quyền nhiều địa phương ở nước này đã tăng cường đô thị hoá các vùng nông thôn.

Tại Ấn Độ, 18 triệu gia đình nghèo nhất nước này không thể sản xuất nông nghiệp bởi họ không còn đất. Họ làm một số công việc trên đồng ruộng, kiếm được mức lương xoàng và khi giá thực phẩm tăng như vũ bão, lương của họ không thể theo kịp. Như vậy là yếu tố quá đầy đủ để dẫn tới đói nghèo.

Một lý do khác là sự mở rộng của các khu đô thị và dự án công nghiệp. Tình trạng tương tự xảy ra tại Việt Nam, Thái Lan, và Bangladesh. Theo viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế mỗi năm, ba cường quốc lúa gạo này mất hàng chục ngàn hecta đất nông nghiệp màu mỡ vì sự mở rộng của các đô thị và các dự án công nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, trợ cấp cho nông sản xuất khẩu và hàng rào thuế quan của các nước giàu đã làm nông dân các nước nghèo hàng năm mất đi khoản thu nhập lên đến 100 tỉ USD.

Ông Mike Moore, cựu thủ tướng New Zealand và cựu chủ tịch WTO, đề xuất nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán WTO nhằm chấm dứt trợ cấp xuất khẩu nông sản chậm nhất là đến năm 2013.

Những chuyên gia kinh tế cho rằng giá cả thực phẩm thế giới tăng cao như hiện nay có thể coi là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách. Chính phủ nhiều nước cần phải giảm tình trạng quan lieu, giảm rào cản thương mại và tạo ra điều kiện đầu tư hiệu quả cho nông nghiệp.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực cần phải có một sự thay đổi căn bản về quan điểm của các chính phủ. Nhưng như hàng trăm bao gạo đang nằm lăn lóc trong các kho lương thực ở Nhật Bản, những thay đổi này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.

Ngọc Diệp
Theo Newsweek

ngocdiep

Trở lên trên