MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ nghĩa tư bản ở Ấn Độ: Huyền thoại Ratan Tata

03-12-2012 - 15:53 PM | Tài chính quốc tế

Những gì mà ông chủ của tập đoàn lớn nhất Ấn Độ đã làm được đem đến nhiều bài học quý giá để thành công ở các nước mới nổi trong bối cảnh toàn cầu hóa và môi trường trong nước chưa hoàn thiện.

Rất dễ hiểu tại sao Ratan Tata, người sẽ nghỉ hưu và rời khỏi vị trí chủ tịch tập đoàn Tata Sons, lại đóng vai trò rất quan trọng ở Ấn Độ. Tập đoàn mà ông quản lý là tập đoàn tư nhân lớn nhất Ấn Độ, chiếm tới 7% tổng giá trị vốn hóa của TTCK nước này. 

Đây là tập đoàn đóng góp tới 3% tổng số thuế doanh nghiệp của Ấn Độ. Sản phẩm của các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn Tata bao phủ đời sống của người dân Ấn Độ: từ ngôi nhà, xe hơi, điện thoại, bảo hiểm, điều hòa, khách sạn đến những thứ nhỏ nhặt như thực phẩm, đồng hồ, giày dép. Ratan Tata đã trở thành “ông vua” của các doanh nghiệp Ấn Độ trong suốt 2 thập kỷ qua. Người dân Ấn Độ kính trọng ông, như người Italia kính trọng Gianni Agnelli (người sáng lập hãng xe hơi Fiat) hay người Mỹ kính trọng J.P. Morgan.

Tuy nhiên, theo 1 cách nào đó, sự sùng kính mà người dân Ấn Độ dành cho ông là khá đặc biệt. Ông không phải là 1 doanh nhân gắn chặt với chiếc máy tính như những “phù thủy công nghệ” ở Bangalore. Bắt đầu thừa kế tập đoàn đến nay đã 144 tuổi từ năm 1991, Tata đã  rất cố gắng để khẳng định bản thân. Thậm chí, cho đến nay, nhiều người vẫn chỉ trích ông vì đã bỏ mặc TCS – mảng kinh doanh công nghệ của tập đoàn. 

Ông cũng không phải là hình mẫu lý tưởng về mặt tài chính. Sau làn sóng chuyển giao quyền lực liên tiếp trong suốt thập kỷ qua, tỷ lệ lợi nhuận trên nguồn vốn của tập đoàn chỉ ở mức trung bình. Thậm chí, người kế nhiệm Cyrus Mistry còn phải giải quyết những món nợ của 1 số công ty con làm ăn thua lỗ. 

Những gì mà Ratan Tata đã làm được lại đem đến nhiều bài học quý giá để có thể kinh doanh thành công ở các quốc gia mới nổi trong bối cảnh toàn cầu hóa và môi trường trong nước chưa hoàn thiện.

Toàn cầu hóa là điều Tata có thể thích ứng 1 cách dễ dàng. Ông học ngành kiến trúc sư ở Mỹ. Ông thà bàn bạc về các mẫu thiết kế xe hơi với các kỹ sư trẻ chứ không thích đọc những tài liệu đánh giá hiệu quả công việc. Tata đã sớm nhận ra rằng do nền kinh tế bắt đầu mở cửa vào những năm 1990, các doanh nghiệp bắt buộc sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng với các tiêu chuẩn mới.

Ông cũng đã sớm nhận biết được sẽ phải mua lại các đối thủ cạnh tranh nếu cần thiết. Các thương vụ thâu tóm mà ông đã thực hiện bao gồm Corus (hãng sản xuất thép khổng lồ của nước Anh) và  Jaguar Land Rover. Thương vụ thứ nhất trở thành thảm họa tài chính trong khi thương vụ thứ 2 là chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, cả 2 thương vụ này cho thấy các doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng cũng như doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế mới nổi nói chung nên học tập để có thể đạt được vị thế cao trên thương trường quốc tế. 

Người Ấn Độ sẽ cho rằng bài học này đã được áp dụng 1 cách triệt để với nhiều thương hiệu quốc tế xuất phát từ Ấn Độ. Tuy nhiên, đất nước này vẫn còn tồn tại quá nhiều ngành được nhà nước bảo hộ. Bản thân Tata luôn luôn tôn sùng trạng thái mở cửa nền kinh tế và toàn cầu hóa. 

Làm thế nào để đạt được sự toàn vẹn lại là 1 bài học khác. Tập đoàn Tata không thể hoàn toàn không dính vào scandal. Hãng đã dính vào những vụ rắc rối hồi đầu những năm 2000. Các đối thủ cũng cho rằng Tata có được vị thế như ngày nay là nhờ vào việc bợ đỡ các chính trị gia trong những năm trước và sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947.

Tuy nhiên, ông là người hoàn toàn chống lại tham nhũng. Tata luôn giữ khoảng cách với tầng lớp chính trị gia. Ông cũng tấn công mạnh mẽ vào tình trạng mà ông gọi là “lợi ích nhóm” – tình trạng các doanh nghiệp kiếm lời từ mối quan hệ với các quan chức chính phủ. 

Tham nhũng đã trở thành vấn đề nhức nhối của Ấn Độ. Trở lại những năm 1990, các công ty gia đình bắt đầu niêm yết cổ phiếu và bành chướng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong 1 thập kỷ gần đây, mọi sự đã khác. Tiền được tạo ra trong ngành khai mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng – những lĩnh vực có sự can thiệp của chính phủ và có rất ít cạnh tranh với nước ngoài. Tình trạng tham nhũng tràn lan. Các công ty gia đình mất hết vị thế dẫn đầu và thậm chí còn trở thành những “xác chết biết đi” nhận sự trợ giúp từ chính phủ. Đầu tư tư nhân sụt giảm nghiêm trọng và đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của Ấn Độ suy sụp. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên