MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ nhân giải Nobel kinh tế 2007: Nước Mỹ nhiều khả năng tránh được "vách đá tài khóa"

16-11-2012 - 14:57 PM | Tài chính quốc tế

Theo ông Myerson, cuộc bầu cử đã đi qua và giờ đây cuối cùng thì chắc chắn ngài Tổng thống sẽ phải hành động để ngăn chặn tình trạng này.

“Vách đá tài khóa” là thuật ngữ được báo chí thế giới nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nó được dùng để mô tả các vấn đề nan giải mà chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt vào cuối năm 2012 - thời điểm các điều khoản của Đạo luật kiểm soát ngân sách trong năm 2011 chính thức có hiệu lực, hàng loạt mức thuế áp với doanh nghiệp và người lao động sẽ tăng mạnh. 

Khả năng nước Mỹ đối đầu với “vách đá tài khóa” đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế sợ hãi bởi nếu hành động không cẩn trọng, GDP Mỹ năm 2013 có thể sụt giảm gần 4%, đồng nghĩa kinh tế Mỹ suy thoái.

Ngày 15/11, giáo sư Roger B.Myerson, chuyên gia kinh tế, chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2007, đã có chuyến thăm tới Việt Nam và có bài giảng tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Tại buổi hội thảo này, ông đã chia sẻ một số nhận định về khả năng nước Mỹ có đối đầu với vách đá tài khóa hay không. 

Theo ông Roger B.Myerson, thực ra hiện nay nguồn thu đang không đủ chi và vì vậy trong dài hạn cần phải thay đổi rất nhiều thứ, ngân sách cần phải được cân bằng. Bối cảnh chính trị thời gian qua quá khó để các chính trị gia có thể đưa ra bất kỳ quyết định nào. 

Cuộc bầu cử cuối cùng đã qua đi và đã đến lúc hai đảng cần phải ngồi lại với nhau. Chính phủ Mỹ cần thay đổi chính sách thuế và chi tiêu để đưa ngân sách về mức cân bằng. Ngài Tổng thống chắc chắn sẽ hành động. Tình trạng bất ổn hoàn toàn không tốt cho doanh nghiệp và kinh tế Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Roger B.Myerson cũng nhận định nỗi sợ hãi lớn nhất của nhà đầu tư là chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực như  cơ sở hạ tầng hoặc các chương trình quan trọng và điều này có thể gây tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh. 

Sự đi xuống của thị trường chứng khoán trong thời điểm khủng hoảng tài khóa gần đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư hiểu rằng các khoản chi tiêu cho nhiều chương trình quan trọng của chính phủ Mỹ chính là điều cần thiết cho sự thịnh vượng của nước Mỹ. Nước Mỹ không nên chi tiêu một cách bừa bãi đồng thời cũng không nên cắt giảm chi tiêu một cách mù quáng. Chính phủ Mỹ cần cẩn trọng trong việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. 

Hệ thống chính trị Mỹ cho đến nay đã hoạt động theo kiểu các chính trị gia quen trì hoãn quyết định kiểu như trên càng lâu càng tốt. Nhưng nay họ không thể chậm trễ hơn được nữa và lần này họ sẽ hành động. Đây là điều thực sự tốt cho thị trường chứng khoán Mỹ mặc dù chưa thể khẳng định cổ phiếu của ngành nào sẽ đem lại nhiều lợi nhuận nhất. 

Diệp Thanh - Thu Hương

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên