MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện chưa kể về người sáng lập WhatsApp

21-02-2014 - 12:29 PM | Tài chính quốc tế

Gia đình Jan Koum đã từng phải sống dựa vào các phiếu trợ cấp thực phẩm (foodstamp) sau khi nhập cư vào Mỹ từ Ukraine. Còn Brian Acton từng nộp đơn xin việc vào Facebook nhưng bị từ chối.

‘Kẻ đi ngược trào lưu”

Thương vụ bán WhatsApp Inc. cho Facebook với giá 19 tỷ USD bắt đầu tại Yahoo! Inc. cách đây 5 năm, khi Jan Koum “vỡ mộng” về cách mà các công ty Internet gắn bó với quảng cáo.

Năm 2007, Koum rời Yahoo cùng với một kỹ sư khác của công ty là Brian Acton. Hai người thành lập công ty riêng mang tên WhatsApp vào năm 2009 và họ nhất trí sẽ tránh xa quảng cáo. Theo bài viết trên blog cá nhân của Koum năm 2012, chiến lược này cho phép họ tập trung vào việc tạo nên sản phẩm nhắn tin mà người dùng có thể dễ dàng sử dụng thay vì phát triển các cách mới để thu thập thông tin khách hàng phục vụ cho các chiến dịch marketing.  

Cách tiếp cận này đã đem lại hiệu quả. WhatsApp có tới 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng – cao gấp đôi so với Twitter. Và, hôm 19/2, Mark Zuckerberg  đã mua lại công ty mới chỉ 5 năm tuổi với mức giá 19 tỷ USD, biến Koum và Acton thành các tỷ phú. 

Đặc biệt, đối với chàng trai 38 tuổi Jan Koum, số tiền khổng lồ hoàn toàn đối lập với thời niên thiếu – khi gia đình anh phải sống dựa vào các phiếu trợ cấp thực phẩm (foodstamp) sau khi nhập cư vào Mỹ từ Ukraine. 

WhatsApp không thu thập những thông tin riêng tư của người dùng như tên tuổi, địa chỉ, giới tính hay tuổi tác. Thay vào đó, người dùng được chấp nhận sau khi số điện thoại của họ được xác nhận là thực. 

Jim Goetz, đối tác đến từ Sequoia Capital Ltd. (công ty đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào WhatsApp năm 2011), cho rằng dường như quyết định của Koum xuất phát từ những kinh nghiệm trong quá khứ. Khi gia đình Koum còn sống ở Ukraine, các đường dây điện thoại thường xuyên bị nghe lén. Chính điều này khiến Koum rất coi trọng tính riêng tư. 

Bị Facebook từ chối 

Koum và Acton vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra khi bong bóng dotcom vỡ tung vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Acton (42 tuổi) lớn lên ở Michigan và nhân viên của Yahoo. Anh phụ trách các dịch vụ quảng cáo, mua sắm và du lịch. Theo Forbes, Acton đã đầu tư vào cổ phiếu công nghệ trong suốt thời kỳ bong bóng và mất hàng triệu USD khi thị trường sụp đổ. 

Sau đó, Acton tuyển Kohum vào Yahoo làm việc và trở thành người hướng dẫn của Koum. Hai người sớm trở nên thân thiết. Sau khi nghỉ việc tại Yahoo, Acton từng chia sẻ trên Twitter rằng đã bị Facebook từ chối khi nộp đơn xin việc năm 2009. 

Cuối năm đó, hai người thành lập WhatsApp với ý tưởng người dùng smartphone phải được dễ dàng nhắn tin với nhau mà không cần quan tâm đến mức phí phải trả cho nhà mạng. Người dùng WhatsApp được miễn phí năm đầu tiên và chỉ phải trả 99 cent cho mỗi năm tiếp theo.

Hai người né tránh việc marketing và cũng không tuyển dụng một người chỉ chuyên làm công việc PR. Thay vào đó, WhatsApp tiếp cận người dùng thông qua kênh truyền miệng, tức là người dùng sẽ tự giới thiệu cho bạn bè nếu cảm thấy thích thú. Cuối cùng, WhatsApp trở nên phổ biến với các nhóm bạn và gia đình có nhu cầu kết nối với nhau khi ở nhiều đất nước khác nhau, đặc biệt là ở châu Âu. 

“Trong khi các công ty khác luôn tìm kiếm sự chú ý của người dùng, Jan và Brian thậm chí từ chối treo biển hiệu ở bên ngoài văn phòng của WhatsApp ở Moutain View”, Goetz chia sẻ. “Trong khi các đối thủ cạnh tranh thường quảng cáo game và chạy đua xây dựng các nền tảng hệ thống, họ vẫn trung thành với việc xây dựng phương thức liên lạc hoàn toàn “trong sạch”, nhanh chóng và không có lỗi”. 
Thậm chí, hai nhà đồng sáng lập của WhatsApp hầu như “tránh mặt” các nhà đầu tư của thung lũng Silicon. Văn phòng của WhatsApp ở Mountain View, California gần như trống không với chưa đến 10 chiếc máy tính để bàn. 

Năm 2011, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital đầu tư 8 triệu USD vào WhatsApp để nắm giữ 15% cổ phần (giờ đây đã có giá trị 3,5 tỷ USD). 

Rõ ràng là quan niệm về quảng cáo của Koum đối lập hoàn toàn với nỗ lực kiếm thêm  nhiều tiền quảng cáo từ người dùng thiết bị di động của Facebook. Trong một thông báo mới được đăng tải trên website của WhatsApp, Koum khẳng định công ty của anh hoàn toàn tự chủ và hoạt động độc lập với Facebook. 

“Sẽ không có sự hợp tác nào giữa WhatsApp  và Facebook nếu như chúng tôi phải thỏa hiệp trên những nguyên tắc cốt lõi luôn luôn định hình hoạt động, tầm nhìn và sản phẩm của WhatsApp”. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên