MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ngược đời trong chính sách lãi suất của Mỹ

29-10-2015 - 10:53 AM | Tài chính quốc tế

Một vài nhà kinh tế học dự đoán rằng điều tôt nhất mà Fed có thể giúp đỡ cho nền kinh tế Mỹ bây giờ đó là ngay lập tức nâng lãi suất. Đây là quan điểm đi ngược lại với những quan điểm kinh tế học truyền thống rằng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ kìm kẹp sự phát triển của nền kinh tế.

Trong một nghiên cứu mới được công bố, David Kelly - trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của JPMorgan Asset Management – cho rằng đáng nhẽ Fed đã phải tăng lãi suất từ tháng 9. Một đợt tăng lãi suất không hề gây tổn hại cho nền kinh tế mà ngược lại sẽ trợ giúp nền kinh tế.

Từ hàng thập kỷ nay, vẫn có những quan điểm mang đậm chất kinh tế học cho rằng lãi suất cao hơn sẽ làm gia tăng lượng tiền gửi, khiến chi tiêu của hộ gia đình sụt giảm và chi phí vốn trong kinh doanh tăng lên và cuối cùng làm giảm lượng cầu hiện tại. Lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng tới giá trị tài sản vì thu nhập phát sinh có thể bị cắt giảm. Và tiếp theo đó sẽ là những ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng. Việc tăng lãi suất cũng thường đồng hành với sự tăng giá của đồng USD và điều này sẽ tác động đến khả năng sản xuất và cạnh tranh trong các ngành hàng thương mại.

Nhưng cũng có một vài nhà phân tích cho rằng trên thực tế những ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lần này sẽ rất khác. Đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, những yếu tố phi giá cả như xếp hạng tín dụng hoặc thắt chặt yêu cầu khi giải ngân là những khó khăn hàng đầu kìm hãm khả năng tiếp cận vốn. Lãi suất nhích lên một chút sẽ giúp làm nhẹ bớt những khó khăn này.

Theo Kelly, hiện nay những chủ sở hữu nhà phải đáp ứng được 3 tiêu chí để có thể có một khoản thế chấp: tiền tiết kiệm đủ để đặt cọc, rủi ro tín dụng ở mức chấp nhận được và tài liệu chứng minh họ có thể trả tiền hàng tháng. Tiêu chí cuối cùng là yếu tố nhạy cảm nhất và có thể tăng lên theo lãi suất, nhưng nó cũng là yếu tố “đơn giản nhất trong những trở ngại phải vượt qua cho đến nay”.

Thực tế, lãi suất cao hơn có thể làm nóng lên thị trường nhà đất. Joe LaVorgna, kinh tế trưởng của Deutsche Bank quan sát thấy lãi suất cao hơn sẽ tốt cho tỷ suất lợi nhuận ròng của các ngân hàng, từ đó sẽ giúp họ nới lỏng những tiêu chuẩn cho vay. Ông nói: “Tỷ lệ nợ không phải là vấn đề đối với những người muốn có được một khoản thế chấp. Giá thấp hơn và một đường cong phẳng hơn sẽ không giúp thị trường nhà ở quá nhiều nếu bạn không thể có được một thế chấp vì các tiêu chuẩn vẫn còn quá chặt”.

Theo Kelly, những khoản nợ thế chấp đều là những nghĩa vụ nợ dài hạn với lãi suất cố định. Trong khi đó các tài sản mới là thứ có giá biến động lên xuống theo lãi suất và là những công cụ ngắn hạn, do đó lãi suất tăng sẽ đẩy tăng thu nhập của các hộ gia đình. Vì thế, lãi suất tăng sẽ không khiến thu nhập khả dụng giảm.

LaVorgna nói: “Hiện có khoảng 10 nghìn tỷ USD đang nằm chết trong hệ thống ngân hàng. Những người không đầu tư vào thị trường chứng khoán, họ đang giữ tiền của họ bằng tiền mặt và chi tiêu ít hơn bởi vì khi bạn đang ở trong một môi trường lãi suất thấp, việc không mua bán nhiều giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn."

Một đồng nghiệp của LaVorgna ở Deutsche Banks, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu Bankim Chadha gần đây đã đưa ra quan điểm cho rằng trên thực tế lãi suất thấp hơn khuyến khích các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn, và do đó chi tiêu tiêu dùng không phải là một con đường hiệu quả để kích thích kinh tế thông qua các hành động trong chính sách tiền tệ truyền thống.

Theo lập luận của Kelly, đến một điểm nhất định, mức lãi suất cao hơn có thể đem đến lợi ích cho người tiêu dùng và điều này cũng đúng đối với cổ phiếu. Phân tích của ông cho thấy rằng lãi suất tăng từ mức thấp sẽ đi kèm với giá cổ phiếu tăng cao. Giá cổ phiếu sẽ giảm nếu lãi suất ban đầu đã cao và sau đó lại tăng vọt. "Khi Fed tăng lãi suất từ mức thấp thì đó như là một dấu hiệu của sự tự tin rằng nền kinh tế không cần đến sự trợ giúp của Fed và sự tự tin đó sẽ ảnh hưởng tích cực đối với cổ phiếu", ông nói.

Sự tăng lên của lãi suất biểu hiện niềm tin vào triển vọng kinh tế của Mỹ được cải thiện. Điều này cũng giúp phá bỏ tâm lý bảo thủ tràn ngập trong các doanh nghiệp Mỹ.

Jacob Oubina, nhà kinh tế cấp cao tại RBC Capital nói: “Việc Fed cố giữ lãi suất ở mức thấp hơn trong thời gian dài đã tạo ra cảm giác tự mãn trong cộng đồng doanh nghiệp. Họ tập trung nhiều vào cấu trúc tài chính và quản lý bảng cân đối hơn là tập trung vào các chi phí vốn tạo doanh thu, trong khi đây mới là cách vận hành truyền thống của các doanh nghiệp đã thành công’.

Theo nhà kinh tế này, các doanh nghiệp đã tăng mạnh phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua nhưng phần lớn số vốn thu được lại được sử dụng cho hoạt động mua lại, sáp nhập và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bằng cách giảm chi phí lãi vay. Tăng lãi suất do đó chỉ làm thay đổi kỳ vọng của doanh nghiệp mà thôi.

Tuy nhiên, có một cảnh báo đi kèm với lập luận này là tăng lãi suất sẽ dẫn đến tăng các khoản cho vay ngắn hạn. Các nền kinh tế bên ngoài nước Mỹ sẽ phải chịu những tác động tiêu cực và sau đó sẽ tác động quay trở lại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, từ đó làm giảm đi tác dụng kích cầu.

"Chuyên gia y học đã ước tính rằng hai ly 110ml rượu cho một người nam trưởng thành là lượng tối ưu cho sức khỏe, không phải hai chai," LaVorgna nói. "Chúng tôi chỉ nói để cố gắng tái chuẩn hóa một nền kinh tế vốn quen thuộc với lãi suất bằng 0."

Phạm Phương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên