MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô dâu ngoại và chuyện dân số già ở Hàn Quốc

30-05-2014 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Các cô dâu ngoại quốc là yếu tố tích cực giúp Hàn Quốc đối phó với xu hướng dân số già hóa. Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các gia đình đa văn hóa.

Thời kỳ giữa những năm 1990, các tấm poster treo trên tàu điện ngầm ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc thường có nội dung khuyến khích các cô gái lấy chồng là nông dân.  Những cô gái trẻ ồ ạt rời làng quê trong những năm 1960 để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở thành phố. Tuy nhiên, các chàng trai ở lại để chăm sóc vườn tược.

Chiến dịch này đã không mang lại hiệu quả. Năm ngoái, hơn 1/5 nông dân Hàn Quốc (đối tượng của chiến dịch trên) kết hôn với người nước ngoài. Tỉnh Jeolla có tỷ lệ cao nhất cả nước. Ngành kinh doanh môi giới kết hôn với phụ nữ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á bùng nổ. Giờ đây, trên các tuyến tàu điện ở Seoul là biểu ngữ khuyến khích chấp nhận gia đình đa văn hóa.

Theo dự báo, số cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc sẽ vượt qua mốc 1,5 triệu người vào năm 2020 (dân số Hàn Quốc là 50 triệu người). Đây là những con số khá ấn tượng bởi Hàn Quốc luôn tự hào về tính thống nhất dân tộc. Tuy nhiên, tâm lý chuộng con trai đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Năm 2010, một nửa nam giới ở độ tuổi trung niên của Hàn Quốc còn độc thân – tăng gấp 5 lần so với năm 1995. Tỷ lệ sinh giảm xuống còn giảm xuống còn 1,3 trẻ/phụ nữ trong độ tuổi sinh nở (năm 1960, tỷ lệ là 6) và do đó là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nếu không có di cư, lực lượng lao động của Hàn Quốc sẽ giảm mạnh.

Chính phủ là bên hào hứng nhất với một đất nước đa sắc tộc. Ngân sách dành cho các gia đình đa văn hóa đã tăng gấp 24 lần kể từ năm 2007, lên 107 tỷ won (tương đương 105 triệu USD). Trên cả nước có khoảng 200 trung tâm hỗ trợ cung cấp dịch vụ dịch thuật, lớp đào tạo ngôn ngữ, chăm sóc trẻ em … Sách giáo khoa cũng bổ sung kiến thức về các gia đình đa sắc tộc. Và, năm 2012, lần đầu tiên người Hàn Quốc lai có thể gia nhập quân đội. Khi 4 công nhân Mông Cổ đang làm việc trái phép tại Hàn Quốc cứu đồng nghiệp Hàn Quốc khỏi đám cháy hồi năm 2007, chính phủ đã chấp nhận họ.

Dẫu vậy, không phải mọi việc đều suôn sẻ. 4 trong số 10 gia đình có cô dâu ngoại quốc đổ vỡ trong 5 năm đầu. Năm 2009, gần 1/5 trẻ em sinh ra trong các gia đình này không được đến trường. Tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại.

Chính phủ Hàn Quốc đang thắt chặt luật hôn nhân. Tháng trước, hai luật mới chính thức có hiệu lực: cô dâu ngoại quốc phải nói được tiếng Hàn Quốc và chú rể người Hàn phải hỗ trợ cô dâu về mặt tài chính. Thị thực cho việc kết hôn cũng chỉ có hiệu lực 5 năm và sau đó phải được gia hạn. 

Có nhiều ý kiến chỉ trích rằng những biện pháp của chính phủ chỉ khiến tốc độ già hóa dân số tăng lên. Hầu hết các cô dâu ngoại quốc đến từ vùng nông thôn và do đó không thể học tiếng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang “cạnh tranh cô dâu” với Hàn Quốc. 

Trên thực tế, số đàn ông Hàn Quốc kết hôn với phụ nữ ngoại quốc đang giảm xuống (từ 31.000 người năm 2005 xuống chỉ còn 18.000 trong năm ngoái). Các cô gái Việt Nam không còn muốn lấy chồng ở vùng nông thôn. “Họ thích xem phim Hàn và nghe K-pop”, Kim Young-shin đến từ trung tâm văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc nói. 

Còn theo Lee Chang-min – một người chuyên môi giới hôn nhân ở Seoul, các khách hàng Hàn Quốc cũng ngày càng giàu có hơn và có học hơn, thậm chí một số người còn nằm trong nhóm có thu nhập cao nhất nước. Một số người có điểm yếu về ngoại hình, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình trong khi một số lo ngại bị “đào mỏ”. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên