MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội từ luồng kiều hối

31-12-2012 - 08:01 AM | Tài chính quốc tế

Dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới có kim ngạch mỗi năm gần 500 tỷ USD, nhưng phí chuyển tiền khiến người gửi ngán ngẩm. Đó là cơ hội cho những tay chơi mới.

Kỳ trước: Gọi điện, nhắn tin, facebook và ... ví tiền

Theo World Bank, năm ngoái tổng giá trị tiền chuyển qua biên giới là 483 tỷ USD, trong đó chủ yếu là những khoản tiền nhỏ người nhập cư gửi về cho gia đình. Dân nhập cư ngày càng đông nên lượng kiều hối ngày càng nhiều, ước tính tăng khoảng 8% mỗi năm.

Bất ngờ là phần lớn các ngân hàng lớn đều không hào hứng lắm với luồng tiền này. Dù biên lợi nhuận có cao nhưng ngân hàng vẫn không muốn làm vì hệ thống thanh toán liên ngân hàng hiện nay được xây dựng để chuyển số tiền lớn chứ không phải chút đỉnh kiều hối.

Báo cáo đặc biệt của The Economist về ngành ngân hàng bán lẻ:

Đường sống cho ngành ngân hàng

Chi nhánh ngân hàng tương lai (1): Vĩnh biệt quy tắc cũ

Chi nhánh ngân hàng tương lai (2): Tan vào không gian ảo

Chồi non từ địa ngục Tây Ban Nha

Big Data(1): Lá chắn tên lửa từ những con số

Big Data(2): Thung lũng Silicon vs. Phố Wall

Ngân hàng nằm gọn trong túi quần

Gọi điện, nhắn tin, facebook và ... ví tiền

Cơ hội từ luồng kiều hối

Nghề canh tiền cho các đại gia

Giành giật những khách "hơi giàu"

Ngân hàng toàn cầu đè bẹp địa phương 

Nhưng chính hệ thống này lại được sử dụng cho dịch vụ chuyển tiền kiếu hối nên vừa tốn kém vừa bất tiện, kết quả là chả mấy ai dùng. Thời gian chuyển tiền mất đến vài ngày, và nếu có vấn đề gì xảy ra thì công tác hỗ trợ khách hàng lại kém.

Western Union là người khổng lồ trong ngành chuyển tiền, cứ 5USD tiền chuyển đi lại có 1USD do hãng này đảm nhiệm. Năm ngoái, Western Union chuyển gần 80 tỷ USD qua gần nửa triệu đại lý.

Click chuột một cái là phía bên kia nhận được tiền

Vì biên lợi nhuận lớn nên thị trường này đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty công nghệ non trẻ. Một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong số đó là Xoom. Công ty này thu phí đồng hạng 5 đến 6 USD trên mỗi giao dịch.

Phí thấp đến thế là nhờ đầu “gửi tiền” được thực hiện qua mạng. Phần lớn kiều hối gửi và nhận đều bằng tiền mặt, nhưng Xoom đã thuyết phục được phần lớn khách hàng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng (một số khách dùng thẻ tín dụng nên chi phí có đội lên một chút).

So với các đối thủ, Xoom vẫn còn quá nhỏ bé. Năm ngoái công ty này mới chuyển khoảng 1,7 tỷ USD. Nhưng Xoom đang tăng trưởng như vũ bão vì dịch vụ của họ quá tiện lợi. Nhiều khách chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng bằng di động khi đang đi làm. Năm nay Xoom hy vọng sẽ chuyển được 3,4 tỷ USD. Công ty này cho rằng dù phí có thấp nhưng biên lợi nhuận hoạt động vẫn cao hơn Western Union.

Nếu Xoom tiết kiệm được chi phí nhờ phía “gửi tiền” thao tác qua mạng, tại sao không đưa phía “nhận tiền” lên mạng luôn? CEO John Kunze giải thích rằng người nhận thường ở các nước có hệ thống ngân hàng kém phát triển và thích cầm tiền mặt. “Chúng tôi có quy tắc là đừng bao giờ bắt mẹ phải đổi thói quen,” ông nói.

Với những ai sẵn sàng thực hiện mọi thứ qua mạng, chuyển tiền xuyên biên giới vẫn còn có thể rẻ hơn nhiều.

Một năm trước, Brett Meyers bị thu một khoản phí ngân hàng lớn dưới dạng chênh lệch tỷ giá khi chuyển tiền ra nước ngoài. Sau đó, anh bắt đầu liên hệ với các bạn bè muốn hoán đổi ngoại hối ở nước ngoài. Kết quả là chợ giao dịch trực tuyến CurrencyFair ra đời với mục đích kết nối người mua với người bán ngoại tệ.

Với những kênh chuyển tiền chính, ví dụ như từ Anh sang Eurozone, thực tế chẳng mấy khi tiền thực sự đi “xuyên biên giới”. Ai muốn bán Bảng Anh và mua Euro thì gửi Bảng Anh vào tài khoản công ty. Người này sẽ được “khớp” với người muốn mua Bảng Anh và bán Euro.

Phần lớn ngân hàng thu phí khoảng 2,5% thông qua chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán, còn với CurrencyFair, hai bên tự thỏa thuận tỷ giá với nhau. Nếu giao dịch thành công, CurrencyFair sẽ thu 0,15% tổng giá trị và một khoản phí nhỏ để gửi ngoại tệ đến tài khoản người nhận.

Thực tế hiện nay mọi người vẫn cần phải có một tài khoản ở mỗi nước, hay ít nhất là một người bạn đủ tin cậy để gửi tiền. Nhưng CurrencyFair tuyên bố công ty đang lên kế hoạch thêm dịch vụ giao tiền mặt trực tiếp. Nếu không tìm được người mua/bán phù hợp, chính CurrencyFair sẽ giao dịch theo tỷ giá lấy từ các thị trường ngoại hối lớn cộng thêm khoảng 0,5% tiền phí.

Thách thức phía trước

Nhưng một ý tưởng tốt không thể tự mình vượt qua vô số rào cản gia nhập ngành chuyển tiền.

Có lẽ rào cản lớn nhất là việc xây dựng một mạng lưới nhận và chuyển tiền. Ví dụ như Western Union liên tục tăng thị phần phần nào là nhờ tăng số đại lý trong mạng lưới của mình thêm gần 5 lần trong vòng 5 năm vừa qua.

Thương hiệu cũng là một yếu tố quan trọng. Western Union có thể thu nhiều phí hơn đối thủ là nhờ khách chấp nhận trả thêm tiền để có cảm giác an toàn.

Rào cản thứ ba và sẽ là rào cản ngày càng khó vượt qua khi lượng tiền chuyển qua mạng tăng lên, đó là kiểm soát rủi ro. “Nếu bạn không thật sự giỏi phát hiện gian lận, rút cục hoặc bạn sẽ phá sản, hoặc bạn sẽ đi tù,” CEO Kunze của Xoom nói. “Chúng tôi học cái gì thì bọn lừa đảo cũng học đúng cái đấy. Đến bằng Tiến sỹ chúng cũng có vài cái rồi!”

Với những rào cản kể trên, nhiều “tay chơi” mới có lẽ sẽ muốn “đối thoại chứ không đối đầu” với các công ty tên tuổi. Công ty chuyên chuyển tiền qua điện thoại M-Pesa tại Kenya đã hợp tác với Western Union để giúp người dùng M-Pesa ở Kenya có thể nhận tiền trực tiếp từ 45 quốc gia.

Các công ty mới gia nhập thị trường này không cần phải chiếm thị phần chi phối mới có thể thay đổi bộ mặt của toàn thị trường.Với phần lớn các kênh chuyển tiền lớn, phí ngân hàng và các công ty chuyển tiền lớn thu đang giảm mạnh.

Ngân hàng Ấn Độ ICICI đã “đại thắng” nhờ chuyển từ cách làm truyền thống sang sử dụng internet. Từ năm 2008 đến năm 2011, thị phần chuyển tiền kiều hối của ngân hàng này tăng trên 50%, đưa ICICI lên chiếm vị trí thứ tư trong số các tổ chức chuyển kiều hối nhiều nhất. Khách hàng của ICICI vừa giỏi công nghệ, vừa “khéo chi tiêu”, nên họ chuyển sang dùng chuyển tiền qua internet rất nhanh.

Đón đọc kỳ tiếp theo: Nghề canh tiền cho các đại gia

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên