MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Standard Chartered lao dốc mạnh nhất trong 24 năm

08-08-2012 - 06:42 AM | Tài chính quốc tế

Giới phân tích ước tính số tiền thiệt hại mà Standard Chartered phải gánh chịu sau cáo buộc của nhà chức trách Mỹ lên tới 5,5 tỷ USD, trong đó hơn 3 tỷ USD là thiệt hại do các lãnh đạo cấp cao ra đi.

Giá cổ phiếu Standard Chartered Plc đang rớt với tốc độ kỷ lục, mất 23% giá trị ngay đầu phiên giao dịch ngày 7/8 trên thị trường London, và rơi về mốc 11,32 bảng. Đây là mức mất giá lớn nhất trong lịch sử 24 năm giao dịch vừa qua của cổ phiếu này khi các nhà phân tích tạm ước tính số tiền thiệt hại mà ngân hàng này phải gánh chịu sau cáo buộc của nhà chức trách Mỹ lên tới 5,5 tỷ USD.

Trong số 5,5 tỷ USD đó, 1,5 tỷ USD là tiền nộp phạt cho các nhà làm luật, 1 tỷ USD mất từ doanh thu hoạt động tại Iran và khoảng 3 tỷ USD là thiệt hại do các lãnh đạo cấp cao ra đi.

Trước đó, giá cổ phiếu của hãng này đã tăng 11% trong năm nay và được đánh giá là cổ phiếu tốt thứ 3 trong ngành ngân hàng tại thị trường chứng khoán Anh, chỉ xếp sau Lloyds Banking Group Plc và HSBC Holdings Plc. (HSBA). Tuy nhiên, sau bê bối đình đám này, mã cổ phiếu của Standard Chartered đã mất 20% so với đầu năm, với giá trị thị trường hiện chỉ còn khoảng 27 tỷ bảng (42 tỷ USD).

Standard Chartered có chiến lược phát triển trọng tâm là các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, châu Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, đại diện của ngân hàng này cũng cho biết lợi nhuận trước thuế tại thị trường Mỹ, Anh và châu Âu trong nửa đầu năm nay tăng khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 464 triệu USD và chiếm khoảng 12% tổng lợi nhuận.

Nếu bị tước giấy phép tại New York, Standard Chartered sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc xử lý thanh toán giữa các doanh nghiệp Mỹ với những đối tác ở các thị trường mới nổi, dẫn đến thiệt hại lớn về lợi nhuận. Ngoài ra, danh tiếng của ngân hàng cũng bị tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động tại tất cả các thị trường trong thời gian tới.

Những lời buộc tội dành cho Standard Chartered là trường hợp mới nhất trong hàng loạt các cáo buộc hành vi giao dịch ngân hàng trái phép mà Phòng quản lý tài chính New York đã từng tiến hành.

Trước đó, năm 2009, một chi nhánh của ngân hàng Lloyds tại London phải nộp phạt 350 triệu USD để giải quyết một vụ điều tra liên quan đến cáo buộc đã cho phép Iran xâm nhập bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Mỹ.

Còn tháng 8/2010, ngân hàng Barclays Plc cũng đã phải nộp phạt 298 triệu USD do bị khiếu nại vi phạm pháp luật thương mại Mỹ thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch liên quan đến các quốc gia mà Mỹ đang áp dụng lệnh trừng phạt, bao gồm Cuba, Iran, Libya và Sudan.

Chưa hết, HSBC tháng trước cũng phải nộp phạt 700 triệu USD cho chính quyền Mỹ sau khi ủy ban thượng viện nước này đưa ra những bằng chứng cho thấy HSBC có một số giao dịch dính líu đến những kẻ vận chuyển ma túy, khủng bố và các tổ chức tội phạm, lừa đảo do buông lỏng quản lý.

Hồng Liên

lienph

Bloomberg

Trở lên trên