MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con đường làm giàu của các bố già Nga

25-03-2013 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Một bài báo được đăng tải trên tờ New York Times từ năm 1996 miêu tả khá rõ quá trình này.

Thời gian gần đây, những ông trùm người Nga trở thành tâm điểm của dư luận. Đầu tiên, họ nổi tiếng bởi số tiền khổng lồ được gửi tại hệ thống ngân hàng đảo Síp vốn đang chao đảo trong cơn khủng hoảng. Cuối tuần vừa qua, người ta lại chú ý đến cái chết bí ẩn của tỷ phú Nga Boris Berezovsky - một trong những nhân vật đối lập lưu vong lâu nay chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin cay nghiệt nhất.

Cái chết của Berezovksy sẽ kéo theo nhiều câu hỏi dành cho điện Kremlin cũng như cho tầng lớp các ông trùm siêu giàu của nước Nga. Từ lâu nay, đây vẫn là nhóm được cho là quyền lực nhất ở nước Nga, thâu tóm toàn bộ nền kinh tế. Vậy thì, họ đã làm cách này để có được vị trí này?

Các bố già Nga (oligarchs) chính là sản phẩm của quá trình tư nhân hóa các công ty nhà nước sau khi Liên minh Xô Viết sụp đổ. Khi đó, nền kinh tế Nga bị xáo trộn và chính phủ muốn phân phối lại các công ty trực thuộc nhà nước vốn không được quản lý chặt chẽ. Động thái này được thực hiện ở tất cả các ngành.

Năm 1994, các lãnh đạo tại ngân hàng Oneksim đưa ra kế hoạch giúp chính phủ của cựu Tổng thống Boris Yeltsin huy động tiền mặt trong khi phân phối lại các công ty.

Kế hoạch này được gọi là “nợ đổi lấy cổ phần”. Các ngân hàng Nga sẽ cho chính phủ vay tiền và đổi lại họ tạm thời được nắm cổ phần tại các công ty nhà nước. Nếu như chính phủ không trả được nợ và vỡ nợ, các ngân hàng được nắm cổ phiếu vĩnh viễn.

Cuối cùng thì chính phủ Nga đã vỡ nợ và những người có đủ vốn để chớp lấy thời cơ nhanh chóng trở nên giàu có. Vladimir Potanin – cựu Chủ tịch của ngân hàng Oneksim và là người giàu thứ 4 ở Nga – chính là ví dụ điển hình.

Một bài báo được đăng tải trên tờ New York Times từ năm 1996 miêu tả khá rõ quá trình này:

Khi các phiên đấu giá bắt đầu vào mùa thu năm 1995, rõ ràng là mọi thứ đã được sắp đặt từ trước. Các nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia đấu giá các tài sản hấp dẫn nhất. Chính các ngân hàng được chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc đấu giá trở thành người chiến thắng và kết quả đấu giá chỉ cao hơn chút ít so với mức giá tối thiểu.

Ví dụ, ngân hàng Oneksim đã tổ chức đấu giá 38% cổ phần của Norilsk Nickel, công ty sản xuất bạch kim và 1/4 lượng nickel của toàn thế giới. Oneksim cũng chính là người chiến thắng với mức giá 171 triệu USD, chỉ cao hơn 10.000 USD so với mức giá tối thiểu và thậm chí bằng một nửa so với mức giá mà đối thủ cạnh tranh là ngân hàng Rossiisky Credit định bỏ ra. Người phát ngôn của Oneksim tuyên bố loại Rossiisky Credit bởi họ nộp hồ sơ muộn và muốn bảo lãnh bằng trái phiếu kho bạc cũng như tiền mặt. Rossiisky Bank còn dọa sẽ đem vụ việc này ra tòa.

Cổ phần của Lukoil and Yukos - một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Nga – bị bán tháo ở mức giá mà các chuyên gia phân tích phương Tây cho là quá thấp so với giá trị thực. Khi lượng đặt mua giảm mạnh, Chính phủ thu về 1 tỷ USD, bằng một nửa so với dự đoán.

Khi chương trình “nợ đổi lấy cổ phần” bắt đầu, tỷ phú đã quá cố Boris Berezovsky vốn đã là người rất giàu có. Ông kinh doanh xe hơi khi Liên minh Xô Viết sụp đổ và sau đó thậm chí việc kinh doanh của ông còn trở nên phát đạt hơn.

Năm 1994, Berezovsky gặp Roman Abramovic (tỷ phú giàu thứ 7 ở Nga) trên 1 chiếc thuyền buồm của 1 người bạn ở Caribbean. Hai người sử dụng chương trình này để thâu tóm công ty dầu mỏ Sibneft. Berezovsky sử dụng tầm ảnh hưởng để đảm bảo chắc chắn công ty của Abramovic sẽ giành chiến thắng trong cuộc đấu giá.

Không có bất cứ giấy tờ nào ghi lại thỏa thuận này. Cũng chính vì vụ này mà năm ngoái Berezovsky đã kiện Abramovic ra tòa đòi bồi thường 5 tỷ USD. Ông buộc tội Abramovic đã hăm dọa và buộc ông phải bán cổ phần tại Sibneft ở mức giá thấp nhất.

Với cái chết của Berezovsky, một số người cho rằng tỷ phú này đã tự tử vì lo sợ mất đi toàn bộ khối tài sản có giá trị vào khoảng 3 tỷ USD.

Trong khi đó, theo chỉ số Bloomberg Billionaire Index, tài sản của Roman Abramovic có giá trị lên tới 13,4 tỷ USD. Ông chủ Mikhail Prokhoro của Brooklyn Nets có 13,1 tỷ USD và bố già giàu nhất - Alisher Usmanov – có tới 21,1 tỷ USD.

Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên