MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con số 30 USD đe dọa nền kinh tế Nga

30-11-2015 - 14:35 PM | Tài chính quốc tế

63% các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đã đưa ra nhận định rằng giá dầu thô ở mức 30 USD/thùng sẽ đẩy nền kinh tế xuống đáy, thậm chí đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính của nước này.

Đối với Nga, 30 USD là một con số đáng phải canh chừng.

63% các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đã đưa ra nhận định rằng giá dầu thô ở mức trên sẽ đẩy nền kinh tế xuống đáy, thậm chí đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính của nước này. Giảm giá nhiên liệu là mối nguy cơ lớn nhất trong năm tới đối với Nga – quốc gia chưa sẵn sàng để đón nhận một cú sốc mới trên thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, các rủi ro đối với nước Nga trong năm 2016 sẽ bao gồm các yếu tố địa chính trị, căng thẳng trong ngành ngân hàng và đồng Rúp.

“Nếu giá dầu tiếp tục giảm và giữ ở mức thấp lâu hơn nữa thì nguy cơ mất ổn định về tài chính và tài khóa sẽ tăng cao,” Sergey Narkevich- chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Promsvyazbank tại Moscow cho biết.

Nga vốn đã phải điều chỉnh bằng cách cắt giảm chi tiêu và làm suy yếu đồng Rúp nhằm đối chọi lại với giá dầu lao dốc. Mặc dù giá dầu thô biển Bắc (Brent) đang được giao dịch ở ngưỡng 45 USD/ thùng, một mùa đông ấm hơn thường lệ có thể làm suy giảm nhu cầu về nhiên liệu sưởi. Viện dẫn lý do này, báo cáo ngày 18/11 của Goldman Sachs đã đưa ra dự báo giá dầu thô sẽ giảm xuống còn 20 USD.

Giá dầu đã tiếp tục sụt giảm sau khi lượng tồn kho của Mỹ lên cao kỷ lục và các quốc gia thuộc OPEC cũng sản xuất vượt chỉ tiêu đề ra. Ngày 4/12 tới, OPEC sẽ nhóm họp để thảo luận về chính lược bảo vệ thị phần.

Giá dầu mỏ suy giảm vẫn là “mối nguy cơ chính đối với nền kinh tế Nga, cho dù Nga đã thích ứng được với cú sốc năm 2015”. “Từ nguy cơ đó, đồng rúp yếu hơn nữa sẽ tạo nên làn sóng lạm phát cũng như nhiều vấn đề về ngân sách”, nhà kinh tế học thuộc tập đoàn Raiffeisen Bank International AG- ông Andreas Schwabe - cho biết.

Điều khiến tình hình phức tạp hơn là căng thẳng địa chính trị leo thang theo sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tài sản Nga. Cùng với các sự kiện tại Trung Đông, Nga cũng phải đương đầu với các lệnh trừng phạt quốc tế sau vụ việc ở Ukraine.

Sau các vụ tấn công khủng bố ở Ai Cập và Paris, một số người đã lạc quan cho rằng quan hệ giữa Nga và phương Tây đang được cải thiện và các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, rõ ràng căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm tình hình thêm phức tạp. Bloomberg dẫn lời ba quan chức ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết có thể các quốc gia châu Âu sẽ kéo dài trừng phạt đến cuối tháng 1 năm sau. Tới đây, 28 nhà lãnh đạo của khối sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/12 tới.

“Chỉ khi không còn các trừng phạt thì nền kinh tế Nga mới có thể phục hồi tăng trưởng GDP,” Wolf-Fabian Hungerland- nhà kinh tế học thuộc Berenberg Bank tại Đức cho hay.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên