MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến chống lại người giàu sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào

07-04-2009 - 10:38 AM | Tài chính quốc tế

Một làn sóng giận dữ đang dâng trào nhằm thẳng đến “những kẻ siêu giàu bất lương”. Trong nhiều trường hợp, hại người giàu là tự hại chính mình.

Ném đá vào cửa sổ nhà ông chủ ngân hàng tại Edinburgh, phản kháng lại giới chủ ở Pháp, đề xuất tỷ lệ thuế 90% tại Washington, và bạo động tại London khi các nguyên thủ đến dự hội nghị G20. Sự thay đổi to lớn trong quan điểm của xã hội có thể gây ra ảnh hưởng sâu sắc tới nền chính trị và kinh tế thế giới

Người giàu chắc chắn không phải là mục tiêu duy nhất của phong trào dữ dội hiện nay. Sợ hãi vì suy thoái, dân chúng nổi giận với các chính trị gia, ngân hàng trung ương và cả người nhập cư. Nhưng một làn sóng giận dữ đang dâng trào nhằm thẳng đến “những kẻ siêu giàu bất lương”.

Giờ tội phạm là một nhóm lớn và toàn cầu hơn bọn trùm trộm cướp Mỹ mà Teddy Roosevelt đã lên án một thế kỷ trước; phần lớn trong số họ là giới ngân hàng hay quản lý quỹ, thay vì ông chủ các tờ rớt và đường sắt. Dẫu vậy, lý do cũng chẳng khác cuối thời đại vàng son trước: bất bình đẳng gia tăng – năm 1979, 0,1% người Mỹ giàu nhất có thu nhập nhiều hơn 20 lần 90% số người nghèo nhất, con số này lên đến 77 lần vào năm 2006 – và cảm giác rằng lũ nhà giàu tham lam đã lấy mất của nhân dân lao động tử tế miếng bánh đáng lẽ họ phải được hưởng.

Một số trò lừa gạt đã cũ: xây dựng các kế hoạch Ponzi và hối lộ chính trị gia để dành được các hợp đồng có lợi. Có những mảng tối hơn, khi người giàu giấu tiền của họ tại các thiên đường thuế và viết ra luật thuế có lợi cho mình – ví dụ như khó bào chữa nổi cho cách đánh thuế vào lợi nhuận vốn tư nhân.

Nhưng nhiều lời chỉ trích cho rằng cách hành xử của giới nhà giàu gây bực bội đến vậy là vì hai tội ác lớn nhất của họ lại được thực hiện dưới ánh sáng ban ngày, vì họ cũng chính là một phần của hệ thống.

Hai trò lừa đảo vĩ đại

Lời buộc tội đầu tiên là, người giàu tạo ra hình tượng “người đứng đầu được tất cả”. Thương nhân và nhà quản lý quỹ được thưởng lớn nhờ phân tích bằng tiền của người khác, nhưng khi họ nhầm, công ty mẹ, khách hàng và cuối cùng là người nộp thuế lại phải chịu thiệt. Chính sách tiền tệ cũng đóng góp vào rủi ro bất cân xứng này: khi thị trường yếu đi, các ngân hàng trung ương thường giải cứu họ bằng cách cắt giảm lãi suất.

Thứ hai, giới ngân hàng và quản lý quỹ chẳng có ảnh hưởng. Không giống những doanh nhân giàu có “một cách xứng đáng” như những người lập ra Microsoft và Google, thương nhân và nhà môi giới “không xứng đáng” khi chỉ đưa tiền lòng vòng trong hệ thống rồi bỏ túi phần lợi nhuận cho chính mình. Tiền chu chuyển càng nhanh, khu vực tài chính trong nền kinh tế các nước giàu có càng lớn. Ở thời đỉnh cao, nó đóng góp tới 41% lợi nhuận nội địa các tập đoàn của Mỹ, gấp đôi tỷ lệ hai thập niên trước đó.

Khi tài chính phát triển, ngân hàng mở rộng chưa từng có – cuối cùng, quá lớn để đổ vỡ, nên khi chúng loạng choạng, người nộp thuế lại phải đỡ chúng dậy. Người giàu bất xứng không những không đi theo một con đường mẫu mực mà còn làm xói mòn nó thành một thứ “tư nhân hóa lợi nhuận, xã hội hóa thua lỗ” cho riêng mình.

Hai lời cáo buộc này song hành, nhưng ý thứ hai ít thuyết phục hơn nhiều. Bất chấp chi phí khổng lồ đề giải cứu các ngân hàng, với tài chính, không có gì là “không xứng đáng” cả; kể cả ở những nước chịu thiệt hại nhiều, một thị trường vốn lưu thông tốt sẽ đem lại lợi ích to lớn cho phần còn lại của nền kinh tế. Chi phí vốn thấp hơn giúp các ngành công nghiệp dễ đầu tư, cải tiến, và bảo vệ chính mình chống lại rủi ro tỷ giá và lãi suất. Thử tách các nhà tài chính ra khỏi giới doanh nhân là một mục đích ngu xuẩn: rút cục sẽ khiến cả hai bị tổn thương.

Vấn đề “người thắng được tất cả” cũng không được chứng minh hoàn toàn: một số nhà lãnh đạo ngân hàng cũng mất khi chúng sụp đổ. Dẫu vậy thậm chí một tờ báo vốn ủng hộ kinh doanh như The Economist cũng phải thừa nhận rằng: một thỏa thuận, theo đó người chấp nhận rủi ro được nhận khoản tiền thưởng khổng lồ trong khi rút cục người nộp thuế lại phải trả mọi chi phí, là một thỏa thuận tồi. Đó cũng chính là lý do để người ta giận dữ.

Đã đến lúc sửa sai

Thời kỳ cải cách sẽ tiếp nối hàng thập kỷ bất bình đẳng: khi Roosevelt phá tan các tờ rớt, ít lâu sau đó Quốc hội đưa ra luật thuế  thu nhập liên bang. Chủ nghĩa tư bản tuyệt vời ở chỗ nó có khả năng tự điều chỉnh chống lại những vấn đề nội tại cũng như những đòn tấn công từ bên ngoài.

Thực ra, hệ thống đã bắt đầu tự sửa chữa. Như báo cáo đặc biệt tuần này của chúng tôi đã chỉ ra, người giàu cũng mất khá nhiều: khoảng 10 nghìn tỷ USD, một phần tư tài sản của họ đã bốc hơi. Sự bất bình đẳng sẽ giảm xuống. Ngân hàng đầu tư và quỹ tự bảo hiểm đang co lại; các tập đoàn tư nhân đang vật lộn để có vốn cho các vụ tiếp quản.

Giờ đã biết thị trường bất ổn đến thế nào, các ngân hàng sẽ không còn hứng thú giao dịch như trước. Thậm chí thói tiêu dùng phô trương cũng thay đổi: Net-a-porter, một website thời trang đắt tiền, giờ đề nghị khách hàng mình ăn mặc theo kiểu túi đựng đồ ăn trưa.

Tuy vậy, thị trường tự điều chỉnh là không đủ. Cuối cùng, thuế cao là không tránh khỏi, vì quá nhiều chính phủ đã lâm vào thâm hụt nặng nề. Nhưng các chính trị gia nên có các động thái cẩn trọng. Tăng thuế ngay lập tức không phải ý hay, vì thời điểm này chính sách tài khóa mở rộng là cần thiết.

Và kể cả khi chính phủ huy động tiền, họ trước tiên nên loại bỏ các khoản khấu trừ và đảo ngược các biện pháp không dựa trên tài năng (ví dụ như việc bãi thuế thừa kế của chính quyền Bush) thay vì tăng cao thuế thu nhập cá nhân. Bóp nặn người giàu quá đáng cũng không tốt cho nền kinh tế.

Với chủ nghĩa tư bản “người thắng được tất cả”, cần giảm thiểu vấn đề rủi ro bất cân xứng, vì việc thay đổi luật lệ để hệ thống tài chính an toàn hơn sẽ loại bỏ những khoản lợi nhuận không xác đáng.

Luật buộc các ngân hàng dự trữ nhiều hơn khi ăn nên làm ra, sẽ khiến họ không còn dư dả tiền bạc mà phung phí vào lương thưởng. Nguồn lợi nhuận ngon lành nhất đôi khi lại đến từ những kẽ hở của luật pháp; giờ chính phủ cần lấp đầy những kẽ hở đó. Nếu ngân hàng trung ương tập trung vào thị trường tài sản lúc tăng cũng như giảm, họ sẽ loại bỏ được phần lớn váng bọt (có thể sẽ lớn thành bong bóng). Đối xử với một ngân hàng “quá lớn để đổ vỡ” như với một tập đoàn phục vụ lợi ích công cộng, lợi nhuận của nó tất yếu sẽ giảm đi.

Khi đó, hạn chế sự giàu có quá mức sẽ chỉ là hiệu ứng phụ. Những biện pháp như thế tốt hơn nhiều so với cứ theo đuôi những người giàu có. Người giàu là một mục tiêu dễ dàng. Nhưng nếu tấn công họ, có khi lại thành tự đấm vào mũi mình.

Ngô Minh Tuấn
Theo Economist

 

ngocdiep

Trở lên trên