MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cuộc chiến tiền tệ” đã chuyển thành cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu

01-03-2011 - 08:06 AM | Tài chính quốc tế

Việc làm mạnh đồng nội tệ được coi như cách hiệu quả để kiềm chế lạm phát vốn đang tăng nhanh trên khắp thế giới, đặc biệt nhóm thị trường mới nổi.

Mới chỉ tháng trước, chính phủ nhiều nước mới nổi, từ Nam Phi cho đến Braxin, cảnh báo rằng hoạt động đua hạ giá đồng nội tệ có thể cần thiết để giúp hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, người ta không còn bàn đến các biện pháp kiểm soát tiền tệ nhiều như trước. Lãi suất đang tăng lên bởi giá hàng hóa ở mức cao kỷ lục và giá dầu 100USD/thùng khiến lạm phát trở thành mối rủi ro lớn hơn.

Morgan Stanley dự báo đồng tiền của nhóm nước mới nổi sẽ tiếp tục tăng giá mạnh hơn đồng tiền của nhóm nước phát triển.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi và phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonexia cho rằng đồng tiền mạnh lên có thể giúp kiềm chế giá cả tăng.

Bộ trưởng Tài chính Nga tuyên bố ủng hộ chính sách tỷ giá linh hoạt.

Tháng 9/2010, Bộ trưởng Tài chính Braxin tuyên bố về một “cuộc chiến tiền tệ”, khi đó ông cam kết mua đồng USD để ngăn đồng real tăng giá và sau đó 2 tháng tuyên bố ngừng lại.

Tháng 2/2011, Peru, Trung Quốc, Colombia, Indonexia và Nga đã nâng lãi suất cơ bản.

Ông Jens Nordvig, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu tiền tệ tại Nomura Holdings, cho rằng: “Nếu vấn đề kinh tế vĩ mô chuyển từ tăng trưởng yếu sang lạm phát cao, chắc chắn chính phủ sẽ phải tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ. Cách nhanh nhất để kiềm chế lạm phát chính là tìm cách làm mạnh đồng nội tệ.”

Thông tin về các cuộc biểu tình tại Ai Cập, Baranh, Libya và Tunisia đã đẩy giá dầu tại thị trường New York tăng lên hơn 100USD/thùng lần đầu tiên từ tháng 10/2008. Điều này không khỏi khiến người ta lo lắng về khả năng giá năng lượng tăng sẽ kéo theo lạm phát trầm trọng.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số của 55 loại thực phẩm tăng 3,5% trong tháng 1/2011 lên mức kỷ lục 231 điểm.

Các chuyên gia kinh tế tại Barclays Capital dự báo lạm phát tại nhóm nước mới nổi hiện đang ở mức khoảng 6% trong khi đó lạm phát tại nhóm nước phát triển khoảng 2%.

Ngọc Diệp

Theo Businessweek


ngocdiep

Trở lên trên