MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đại phẫu của ngành ngân hàng Thụy Sĩ (P1)

13-01-2013 - 17:34 PM | Tài chính quốc tế

Thử thách mà UBS và Credit Suisse - 2 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - phải đối mặt lớn hơn bội phần so với ngành ngân hàng thế giới. Và, mỗi ngân hàng đã chọn 1 hướng đi riêng. Ai sẽ thành công?

Hồi tháng 9, Wolfsberg  - tòa lâu đài 437 năm tuổi của Thụy Sĩ – đã trở thành địa điểm ăn tối của Sergio Ermotti  - CEO của ngân hàng UBS, cùng với các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này. 

Trên bàn ăn tối hôm đó, trong hội trường lớn của tòa lâu đài cổ kính, các thực khách đã đưa ra kế hoạch nhằm nâng cao mức lợi tức cho các cổ đông của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ. 

Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, khiến 57 tỷ USD bị bốc hơi khỏi tài sản của UBS, ngân hàng này luôn phải chịu nhiều áp lực. Credit Suisse Group – đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của UBS – cũng lâm vào thảm cảnh tương tự. Năm 2011, các nhà làm luật Thụy Sĩ đã ban hành một trong những luật lệ hà khắc nhất trên thế giới về vốn và thanh khoản của các ngân hàng, buộc họ phải cắt bỏ các hoạt động rủi ro và nâng vốn.

Trong khi đó, bức màn bí mật đằng sau các tài khoản – bí quyết giúp các ngân hàng Thụy Sĩ thu hút lượng lớn nguồn vốn từ các khách hàng giàu có trên khắp thế giới – cũng bị vén lên. Thử thách đối với mô hình quản lý tài sản đã tồn tại hàng trăm năm phải đối mặt là không hề nhỏ. Tuần sau, Kweku Adoboli  - cựu nhân viên 32 tuổi của UBS – sẽ phải ra tòa ở London vì có liên quan đến khoản lỗ 2,3 tỷ USD.

Trong 1 hội nghị được tổ chức tại Zurich diễn ra chỉ 2 ngày trước khi cuộc họp tại lâu đài Wolfsberg diễn ra, Chủ tịch NHTW Thụy Sĩ – ông Thomas Jordan – đã khẳng định rằng tình hình đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với các ngân hàng ở Thụy Sĩ. 

Đứng trước những khó khăn này, Ermotti, vị CEO 52 tuổi và mới đảm nhiệm vị trí này chưa đầy 1 năm, đã sẵn sàng hành động. Tại tòa lâu đài cổ kính nhìn ra hồ Constance, ông phác thảo kế hoạch thu nhỏ bộ phận ngân hàng đầu tư của UBS – nơi Adoboli đã làm việc. Bộ phận này đã ghi nhận số lỗ kỷ lục và có mảng đầu tư trái phiếu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là 1 cuộc đại phẫu khi phải sa thải hàng nghìn nhân công và xây dựng lại toàn bộ nền móng của ngân hàng đã 151 tuổi đời. 

“Bạn nhìn vào các con số và nơi bạn đang đứng, bạn đi qua tháng 7 và đưa ra 1 số giả thiết để thu hẹp các lựa chọn. Bạn đi nghỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, khi quay lại, mọi thứ không tốt hơn mà chỉ tồi tệ hơn”, Ermotti đã nói như vậy trong 1 buổi phòng vấn được thực hiện tại trụ sở của UBS chỉ 2 tháng sau. Trong bộ comple màu xám, áo sơ mi trắng và cà vạt đỏ, ông thông báo UBS phải sa thải 10.000 nhân sự. 

Cải tổ

Cuộc cải tổ lớn nhất trong 80 năm của ngành ngân hàng đã để lại nhiều “vết sẹo” trong nền kinh tế Thụy Sĩ. Tài chính – ngành từng được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng và an toàn – đang vật lộn với khó khăn chồng chất và buộc phải xem xét lại tất cả các mô hình hoạt động. Trong giai đoạn 1990 – 2009, UBS và Credit Suisse, 2 ngân hàng có tổng tài sản gấp 4 lần GDP của Thụy Sĩ, đã giúp ngành tài chính của nước này đóng góp tới 1/3 tăng trưởng của nền kinh tế. Giờ đây, tỷ trọng của ngành ngân hàng trong sản lượng nền kinh tế đang sụt giảm mạnh. Năm 2011, con số là 6,2%, giảm so với mức 8,7% của năm 2007.

Theo Mark Branson, Chủ tịch ủy ban giám sát ngân hàng Thụy Sĩ, ở đất nước này, vấn đề “quá lớn để sụp đổ” hiện hữu rõ nét hơn ở bất cứ trung tâm tài chính nào trên thế giới. “Nếu bạn nhận thức được sự nguy hiểm và nhìn thấy điều gì có thể xảy ra nếu như mọi thứ đi chệch hướng, sẽ là vô trách nhiệm neus như bạn không yêu cầu phải củng cố toàn hệ thống”, ông nói. 

Các điều kiện chặt chẽ hơn về vốn buộc UBS phải thông báo giảm bớt một nửa tỷ trọng tài sản rủi ro vào năm 2011. Đối với các lãnh đạo cấp cao của UBS – những người đã có mặt quanh chiếc bàn chữ U đặt trong lâu đài Wolfsberg, đảo ngược quá trình không phải là 1 sự lựa chọn. 

Niềm vui ở Sydney của UBS

Từ bỏ tất cả các hoạt động kinh doanh cũng không phải là sự lựa chọn. Từ một vài tháng trước, Ermotti và cấp dưới đã nhất trí rằng UBS cần phải tiếp tục cung cấp các dịch vụ như bán cổ phiếu cho các khách hàng cá nhân giàu có và khách hàng doanh nghiệp. Chỉ còn 1 điều chưa được quyết định: UBS sẽ thu hẹp tới mức nào?  Cuối cùng, họ đồng ý sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận ở cuộc họp hội đồng quản trị được tổ chức vào cuối tháng tại Australia.

“Có thể mọi người đã bị sốc khi chúng tôi thông báo về việc đó”, Ermotti nhớ lại phản ứng tại buổi họp. Tuy nhiên, cuối cùng thì kế hoạch đã được thông qua mặc dù hội đồng quản trị không thể tin được rằng có 1 ngày họ sẽ phải nghe lời đề nghị như vậy. 

Nhà đầu tư cũng bằng lòng với kế hoạch này, Trong tuần thông báo được đưa ra, cổ phiếu của UBS tăng 18%, chạm mốc cao nhất trong 3,5 năm. Đối với Ermotti, người đã từng làm nhân viên ngân hàng đầu tư của UniCredit (ngân hàng lớn nhất Italia) và  Axel Weber (Chủ tịch của UBS), đây là lá phiếu của niềm tin.

Credit Suisse : Con đường khác

Thay vì co hẹp hoạt động đã được dày công vun đắp giống như UBS đang làm, ngân hàng này vẫn muốn cạnh tranh với những đối thủ trên thế giới như Goldman Sachs và JPMorgan Chase ở tất cả các cấp độ.

Brady Dougan, CEO của Credit Suisse, người phụ trách mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse trong 3 năm trước khi lên chức CEO năm 2007, đang đánh cược rằng ông có thể tăng doanh thu bằng cách cắt giảm chi phí chứ không phải thu nhỏ qui mô.  Ông đặt mục tiêu đầy tham vọng rằng sẽ nâng cao được thị phần của Credit Suisse trên toàn cầu. 

Mặc dù cả 2 ngân hàng này đều giảm bớt các tài sản mang nặng rủi ro để có thể đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse có qui mô lớn gấp đôi so với của UBS. Dougan cho rằng trong điều kiện thị trường bình thường, ngân hàng đầu tư sẽ đem về một nửa tổng doanh thu, tăng mạnh so với mức 39% của 9 tháng đầu năm 2012. Tại UBS, ngân hàng đầu tư – mảng đem lại gần 40% lợi nhuận trước thuế trong thời kỳ trước năm 2007 – sẽ chỉ đóng góp 20% trong tương lai.  

Dougan cho rằng nếu như có thể giảm bớt chi phí vốn của mảng ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng cho phép họ tăng thêm vốn đầu tư vào mảng này. Ông hi vọng trong thời gian tới sẽ thuyết phục được nhà đầu tư mặc dù hiện nay họ vẫn phản đối. 

Không chỉ các nhà đầu tư, Kian Abouhossein, chuyên gia phân tích ngân hàng đến từ JPMorgan, cho rằng chiến lược của UBS có tỷ lệ thành công cao hơn. Cổ phiếu của Credit Suisse chỉ tăng 0,9% trong năm 2012 trong khi của UBS tăng tới 28%. 

Abouhossein cho rằng Credit Suisse vẫn dựa quá nhiều vào tiền gửi – bộ phận biến động quá mạnh. “Thời gian cho lãnh đạo của Credit Suisse sắp hết. Trong năm 2013, họ phải tạo ra được mức lợi suất hợp lý cho nhà đầu tư”, ông nói. 

Hồi tháng 6, Dougan bị giáng 1 đòn mạnh khi NHTW Thụy Sĩ cho rằng Credit Suisse cần nâng vốn trước khi năm 2012 kết thúc. Báo cáo này khiến cổ phiếu của Credit Suisse giảm 10% chỉ trong 1 ngày, xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Dougan, người luôn luôn cho rằng Credit Suisse là ngân hàng nhiều vốn nhất thế giới, ngay lập tức thông báo kế hoạch tăng vốn thêm 16,5 tỷ USD. 

Dougan khẳng định Credit Suisse đã tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trái phiếu và tránh được kịch bản lỗ như UBS. Trong vòng 1 năm kết thúc vào ngày 30/9/2012. Ngân hàng này đã giảm bớt hơn 90 tỷ USD (tương đương 31%) tài sản rủi ro. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên