MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng tiếp theo của nước Mỹ: Thế hệ baby - boomers "ăn bám"

08-10-2012 - 19:17 PM | Tài chính quốc tế

Nỗ lực đáp ứng phúc lợi xã hội dành cho thế hệ baby bombers (những người sinh ra trong những năm 1946 – 1964) đang đe dọa sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tỷ lệ sinh ở các nước giàu tăng lên nhanh chóng. Đức, Anh và Nhật Bản, tất cả các nước này đều trải qua thời kỳ tỷ lệ sinh bùng nổ mạnh mẽ, mặc dù mỗi nước đạt được đỉnh cao vào từng thời điểm khác nhau. 

Trong khi đó, Mỹ là nước chứng kiến hiện tượng này 1 cách rõ nét nhất. Đến năm 1964, lượng người được sinh ra sau chiến tranh thế giới thứ II chiếm tới 81% tổng số dân, tạo thành 1 thế hệ đủ lớn để có được tiếng nói riêng xét về cả chính trị và kinh tế. 

Thế hệ này đã sống 1 cuộc đời tràn ngập hạnh phúc, dễ dàng phá vỡ các dấu mốc mà những thế hệ trước đó đã đạt được. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên theo từng độ tuổi. 

Sự phát triển vượt bậc của thế hệ này đem đến rất nhiều lợi ích về mặt dân số: nguồn cung lao động tăng lên và hơn nữa còn được củng cố bằng sự tăng lên trong số lượng lao động nữ. Nước Mỹ cũng ghi nhận những chuyển biến về mặt xã hội: qui mô hộ gia đình trở nên nhỏ hơn với ít trẻ em hơn. Đây cũng chính là 1 trong những thế hệ người Mỹ được giáo dục tốt nhất. 

Nền kinh tế do đó cũng được hưởng những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, giờ đây, cũng chính thế hệ ấy lại đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và cho các thế hệ tiếp theo. 

Họ dần bước vào độ tuổi nghỉ hưu, cũng với số lượng lớn như lúc sinh ra. Như vậy, lợi thế của lực lượng lao động bị đảo ngược. Thế hệ người trẻ hiện nay cũng có cơ hội để nâng cao trình độ học thức. Tuy nhiên, việc này trở nên khó khăn hơn nhiều so với thế hệ trước. Có được tấm bằng đại học không còn là điều quá lớn lao như những gì xảy ra ở thời kỳ sau chiến tranh. 

Thêm vào đó, thế hệ trẻ cũng không thể mong đợi các loại tài sản sẽ có những đợt tăng giá kéo dài trong nhiều thập kỷ như thời kỳ trước. Trong 1 nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2011, Zheng Liu và Mark Spiegel, 2 chuyên gia kinh tế đến từ Cục dự trữ liên bang Mỹ chi nhánh San Francisco, đã phát hiện ra rằng biến động của chỉ số P/E của các cổ phiếu khá tương đồng với tỷ lệ lao động trung niên so với lao động lớn tuổi. Như vậy, có vẻ như tỷ lệ P/E của thị trường sẽ giảm đi. 

Đã trải qua thời kỳ đầu cơ tài sản mạnh mẽ, thế hệ baby boomers giờ đây đang bán tháo các tài sản để tài trợ cho quãng đời còn lại sau khi nghỉ hưu và do đó gây áp lực lớn lên giá tài sản. Cuối cùng thì, con đường trở nên giàu có không hề dễ dàng đối với những người trẻ tuổi. 

Đáng lo ngại hơn, có vẻ như thế hệ baby – boomers có thể sử dụng chính sách kinh tế làm đòn bẩy. Chính phủ giảm thuế nhằm giúp nền kinh tế hồi sinh cũng là lúc thế hệ này đạt được đỉnh cao thu nhập. Thuế suất liên bang trung bình đối với 1 hộ gia đình trung lưu ở Mỹ (bao gồm thuế thu nhập và thuế lương) đã giảm từ mức hơn 18% của năm 1981 xuống chỉ còn hơn 11% vào năm 2011. 

Các cuộc cải cách thuế khiến doanh thu thuế bị sụt giảm và thâm hụt ngân sách dâng cao. Erick Eschker, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Humboldt, đã thừa nhận mỗi người Mỹ sinh ra vào năm 1945 có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 2,2 tỷ USD trong suốt cuộc đời – nhiều hơn so với bất kỳ thế hệ nào.  

Năm 2011, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố nghiên cứu so sánh lượng thuế phải nộp trong cả cuộc đời với giá trị các phúc lợi mà từng thế hệ sẽ nhận được. Theo đó, baby – boomers là thế hệ nhận được nhiều phúc lợi nhất. Những người bước sang tuổi 65 vào năm 2010 có thể nhận được số tiền trợ cấp nhiều hơn 333 tỷ USD so với số thuế mà họ đã nộp. Số tiền này cũng lớn gấp 17 lần so với thế hệ những người bước sang tuổi 25 vào năm 2010. 

Thật đáng buồn, các phép toán còn phác họa bức tranh tồi tệ hơn với nhiều khía cạnh khác nhau. Số nợ mà thế hệ này để lại càng khiến tăng trưởng kinh tế trì trệ hơn. Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, 2 chuyên gia kinh tế đến từ đại học Harvard, đã ước tính số nợ chiếm tới hơn 90% GDP của nước Mỹ có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm tới hơn 1%. 

Trong khi đó, đầu tư công cũng sụt giảm mạnh. Tỷ trọng chi tiêu hàng năm cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong GDP đã giảm từ mức hơn 3% trong thời kỳ những năm 1960 xuống chỉ còn 1% vào năm 2007. 

Cũng theo ước tính của IMF, để có thể sửa chữa tình trạng mất cân bằng tài khóa hiện nay, nước Mỹ cần cắt giảm 35% trợ cấp đồng thời tăng thuế 35%. Đây là tỷ lệ quá lớn để hệ thống chính trị có thể chấp nhận. 

Theo 1 nghiên cứu khác, tình trạng mất cân bằng tài khóa sẽ còn tiếp tục tăng lên với tỷ trọng dân số trên 65 tuổi tăng lên đáng kể. Tỷ lệ cử tri trên 65 tuổi sẽ tăng từ mức 17% hiện nay lên tới 26% vào năm 2030.  

Thế hệ baby boomers còn gây nên mối nguy hiểm khác: lạm phát. 

Trong thời kỳ hậu chiến, lạm phát đã giúp tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ giảm 35 điểm phần trăm. Nghiên cứu của Rogoff đã chỉ ra rằng nếu như Mỹ duy trì tỷ lệ lạm phát 5% trong 1 vài năm, các hộ gia đình có thể giảm nợ nhanh chóng hơn. Các chuyên gia kinh tế khác, trong đó có cả 2 chuyên gia đến từ Fed, cũng cho rằng với lãi suất đang ở mức gần 0, Fed có thể chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở mức cao hơn nhằm đẩy mạnh tốc độ phục hồi của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, thế hệ baby boomers lại cản trở kế hoạch này. Những người trẻ thường là các con nợ và sẽ được hưởng lợi khi lạm phát tăng và lãi suất thực giảm xuống. Trong khi đó, thế hệ baby boomers lại không ủng hộ điều này bởi họ có những khoản tiết kiệm lớn. Theo 1 nghiên cứu mới được Fed chi nhánh St Louis đưa ra, dân số càng già đi, mức độ chịu đựng lạm phát của đất nước càng giảm xuống.  

Sức mạnh chính trị của thế hệ baby boomers là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì đến 1 lúc nào đó trong tương lai, nước Mỹ cũng sẽ thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên