MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán TPP: Cái khó của ông Obama

17-02-2014 - 15:41 PM | Tài chính quốc tế

Ông Obama đang vấp phải sự phản đối của lãnh đạo nhóm đa số ở Thượng viện, Harry Reid - đồng minh quan trọng nhất của ông ở đồi Capitol.

Trong bài phát biểu liên bang hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội trao quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn (fast-track) khi đàm phán các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, sau đó không lâu, đồng minh quan trọng nhất của ông ở đồi Capitol “bóng gió” rằng có thể điều này sẽ không xảy ra. Là lãnh đạo nhóm đa số ở Thượng viện, Harry Reid có thừa khả năng để làm điều này: sẽ không có dự luật nào được đưa ra bỏ phiếu nếu ông không đồng thuận. Tuy nhiên, có phải Harry Reid thực sự đang quá hà khắc với ông Obama? 

Các nghiên cứu cho thấy những thỏa thuận được đề đạt với châu Á và châu Âu có thể giúp nền kinh tế toàn cầu có thêm 600 tỷ USD mỗi năm (riêng nước Mỹ có thêm 200 tỷ USD). Con số này vẫn là chưa đủ, bởi các thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ. Mở cửa mạnh mẽ hơn nữa các ngành như tài chính và vận tải sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được số tiền lớn. 

Ông Obama chưa từng ủng hộ thương mại tự do mạnh mẽ đến vậy. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của ông đem lại nhiều triển vọng. TPP (Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương) đang tiến gần hơn đến chặng đường cuối cùng. Còn với châu Âu, các phái đoàn thương mại tiếp tục gặp gỡ thường xuyên với hi vọng sẽ sớm đạt được các thỏa thuận thương mại vào đầu năm 2015. 

Để làm được tất cả những điều này, ông Obama cần được trao quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn. Quyền này cho phép Obama có quyền thương lượng các thỏa thuận và sau đó trình lên Quốc hội chỉ với một cuộc bỏ phiếu có hoặc không. Như vậy, các nhà làm luật không thể chỉnh sửa các chi tiết trong thỏa thuận. 

Ngược lại, nếu ông Obama không có quyền này, các đối tác thương mại của Mỹ không thể coi Nhà trắng là đối tác thương lượng. Quyền này đã được trao cho cựu Tổng thống George W. Bush năm 2002 và hết hạn năm 2007. Bởi vì các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhìn chung là những người ủng hộ thương mại tự do và các nghị sĩ đảng Dân chủ thì trung thành với ông Obama, hầu hết dư luận cho rằng Quốc hội sẽ ngay lập tức trao quyền cho ông Obama mà không có chút trở ngại. 

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. Cuối năm ngoái, một nửa các nghị sĩ ở Hạ viện viết thư phản đối trao quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn cho ông Obama. Hầu hết trong số này đến từ chính đảng Dân chủ. Đầu tháng 1, một nhóm thượng nghị sĩ đến từ cả hai đảng  giới thiệu dự luật về vấn đề này. Ông Obama có tán dương quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn trong bài phát biểu liên bang, tuy nhiên lập luận mà ông đưa ra là “để bảo vệ người lao động của nước Mỹ, bảo vệ môi trường và mở rộng thị trường cho các hàng hóa mới gắn mác “Made in USD”. Ông không hề đề cập đến vấn đề nhập khẩu giá rẻ sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Harry Reid công kích ngay lập tức. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Reid một lần nữa phản đối trao quyền cho ông Obama. Một số người thậm chí còn hoài nghi liệu Reid có “giết chết” dự luật này ngay lập tức. Các cuộc thương lượng ở Thượng viện có thể đem đến một phiên bản mới có đủ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường và do đó được thông qua.   

Tuy nhiên, sự hà khắc của Harry Reid đang đem đến những điều bất lợi. Michael Froman – đại diện thương mại của ông Obama – khẳng định các cuộc đàm phán không bị ảnh hưởng bởi bế tắc chính trị ở Washington. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến các đối tác thương mại của Mỹ lo lắng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ không muốn làm mất lòng các cử tri ở quê nhà chỉ vì tìm kiếm một thỏa thuận thương mại chưa nhận được sự đồng thuận ở Mỹ. Tương tự, Pháp có thể yêu cầu xem xét lại các thỏa thuận giữa Mỹ và châu Âu. 

Ở Mỹ, sự phản đối của đảng Dân chủ có thể mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh các tập đoàn đang dần mạnh lên sau 5 năm khủng hoảng, một số người sẽ cho rằng đảng Dân chủ ủng hộ tự do thương mại là nhằm hỗ trợ cho “những con mèo béo” trên phố Wall.

Sự phản đối bất ngờ từ phía Harry Reid cho thấy ông Obama cần phải giao tiếp tốt hơn với các đồng minh của ông. Và, nếu không muốn hai trong số những hiệp định thương mại quan trọng nhất của thập kỷ này bị bỏ lỡ, ông Obama nên làm sáng tỏ những lợi ích của tự do thương mại. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên