MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán TPP: Việt Nam nới lỏng một số quy định về đầu tư nước ngoài

31-07-2015 - 16:05 PM | Tài chính quốc tế

Tờ Nikkei đưa tin Malaysia và Việt Nam – hai nền kinh tế mới nổi trong Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (TPP), đã thỏa hiệp một số điều khoản liên quan đến tự do hóa ngành dịch vụ nhưng vẫn rất cứng rắn trong một số lĩnh vực nhạy cảm.

Chỉ còn vài giờ trước khi các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ở Hawaii, nhưng các nhà đàm phán vẫn hối hả đi lại giữa các phòng họp trong nỗ lực đi tới một thỏa thuận và giải quyết những bất đồng về sở hữu trí tuệ, khả năng thâm nhập thị trường và các vấn đề khác.

Vòng đàm phán Hawaii bao gồm cả các cuộc họp song phương và đa phương với nhiều cấp khác nhau, có sự tham gia của các quan chức và Bộ trưởng đại diện cho 12 nước tham gia đàm phán TPP. Mục tiêu là hoàn tất một thỏa thuận trong tuần này.

Theo thỏa thuận sơ bộ, Malaysia sẽ nới lỏng quy định và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 30% vốn góp tại các công ty hoạt động trong ngành cửa hàng tiện lợi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì phù hợp với dự đoán trước đó.

Trên thị trường chuỗi cửa hàng tiện lợi của Malaysia, 7-Eleven Malaysia Holdings đang chiếm ưu thế với hơn 1.850 cửa hàng. Mỗi năm công ty này có kế hoạch mở thêm 200 cửa hàng.

Giới phân tích cũng dự đoán Malaysia sẽ nới lỏng các quy định đối với lĩnh vực tài chính, cho phép ngân hàng của các nước còn lại trong TPP mở tới 16 chi nhánh ở đây (hiện nay con số 8). Các ngân hàng từ Canada, Nhật Bản, Singapore và Mỹ hiện đang hoạt động ở Malaysia sẽ hưởng lợi từ điều này.

Kể từ năm 2009, dưới thời Thủ tướng Najib Razak, Malaysia đã triển khai những biện pháp tự do hóa ngành tài chính để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các định chế tài chính từ 15% lên 20%. Đối với các công ty viễn thông, mức trần được đề xuất nâng từ 65% lên 75%. Còn trong ngành bán lẻ, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tham gia điều hành các mặt bằng kinh doanh có diện tích nhỏ hơn 500m2. Tuy nhiên điều kiện này chỉ được áp dụng 5 năm sau khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực.

Cả Malaysia và Việt Nam đều đang phản đối một số sáng kiến của TPP như cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu cho Chính phủ, đặt DNNN vào tay khu vực tư nhân hay các điều kiện tăng cường quyền sở hữu trí tuệ trong ngành dược vì điều này có thể đẩy tăng giá thuốc.

Nikkei dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cam kết sẽ bảo vệ lợi ích của Malaysia. Trong khi đó Việt Nam cũng đang yêu cầu các đối tác linh hoạt hơn với Việt Nam trong việc mở cửa các ngành “nhạy cảm” như dệt may. Theo điều khoản hiện tại, Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xuống bằng 0 và cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận sâu hơn với thị trường Việt Nam.

Thanh Thanh

Nikkei

Trở lên trên