MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân Trung Quốc bỏ chợ đi mua sắm trực tuyến

07-07-2014 - 19:11 PM | Tài chính quốc tế

Chi phí nhân công tăng, giá nhà đất cũng tăng và người tiêu dùng muốn tìm kiếm nhiều tiện ích hơn qua hình thức mua sắm trực tuyến. Các khu chợ phải tiến hóa hoặc sẽ “chết”.

Đối với Chang Yu, “thời hoàng kim” của giai đoạn kinh tế Trung Quốc bùng nổ đã trở thành câu chuyện của quá khứ xa xôi. 

 “Khi tôi đến đây lần đầu tiên vào 8 năm trước, khu chợ này có nhiều người đến nỗi bạn sẽ không thể đi lại”. Chang Yu đang nhớ về khung cảnh đối lập với sự trống trải hiện nay ở chợ Yashow (Bắc Kinh) – nơi cô đang bán tóc giả.

Các khu chợ ở Bắc Kinh từng là niềm tự hào của Trung Quốc. Đây là nơi mà các nhà máy sản xuất được chính phủ hỗ trợ cung cấp lượng hàng hóa khổng lồ cho phương Tây và giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói.

Tấp nập nhất trong thời kỳ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, đây được coi là “thánh địa” cho những khách du lịch muốn mua bất cứ thứ hàng hóa nào. Nhiều năm nay, rất nhiều người bán rong nhập cư tới đây để mưu sinh. 

Giờ đây, số lượng những người này đang giảm xuống. Những chiếc mi mắt giả phủ đầy bụi trong khi bộ đồ hóa trang siêu nhân vẫn được treo ở đó cho dù Halloween đã qua từ lâu. Và, không chỉ có mình Chang phải đối mặt với tình trạng này. Hoạt động kinh doanh chưa bao giờ tồi tệ đến thế. 

Bỏ chợ tìm đến mua sắm trực tuyến

Chi phí nhân công tăng, giá nhà đất cũng tăng và người tiêu dùng cũng muốn tìm kiếm nhiều tiện ích hơn qua hình thức mua sắm trực tuyến. Trong hoàn cảnh hiện nay, các khu chợ phải tiến hóa hoặc sẽ “chết”.

Chi phí sản xuất tăng lên hối thúc nhiều công ty nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất về những quốc gia kém phát triển hơn ở châu Á. Theo Thomas Orlik – chuyên gia đến từ Bloomberg, mức lương trung bình trong ngành sản xuất ở Trung Quốc đã tăng 96% kể từ năm 2007.

“Các nhà sản xuất đang phải đối mặt với chí phí lao động tăng. Giá thuê mặt bằng và giá điện cũng tăng. Họ chuyển gánh nặng này sang người tiêu dùng”, ông nhận xét. 

Không chỉ riêng các nhà máy phải trả phí thuê mặt bằng cao hơn. Ở các thành phố cấp 1 như Bắc Kinh, giá bất động sản đã tăng 18% trong năm 2013, bất chấp nỗ lực kiềm chế thị trường của chính phủ. Cách chợ Yashow vài trăm mét, một tòa chung cư cao cấp vừa được bán với giá 928 triệu USD. 

Một người giấu tên bán túi Jimmy Joey ở tầng 1 của Silk Market cho biết anh mất tới 50.000 nhân dân tệ (tương đương 8.000 USD) tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Cách đây một vài năm, anh mở cửa hàng trực tuyến trên Taobao và giờ đây doanh số của hai cửa hàng đã ở mức tương đương nhau. Thậm chí anh cho rằng cửa hàng trực tuyến sẽ hoạt động tốt hơn. 
Liu Chao, người bán giày ở Silk Street, thì cho biết đang có kế hoạch thay đổi bởi mọi thứ ngày càng xấu đi. “Chúng tôi đang lên kế hoạch thay đổi việc kinh doanh. Có quá ít người tới đây mua sắm”. 

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử là rất khốc liệt. Cùng một sản phẩm, có hàng trăm người bán và giá cả cũng rẻ hơn. Người bán hàng cũng sẽ vất vả hơn khi phải tiếp nhận đơn hàng và câu trả lời của khách hàng 24/24. 

Dẫu vậy, Zhang Yong Ping, Chủ tịch của Silk Street Market Group, không lo lắng. Kế hoạch cho tương lai khá đơn giản: cung cấp hàng hóa chất lượng cao tại mức giá thấp nhất có thể. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cải thiện chất lượng và dịch vụ. Silk Street sẽ trở thành khu chợ tốt nhất ở Trung Quốc”. 

Mặc dù các chuyên gia phân tích dự báo rằng Alibaba sẽ sớm trở thành công ty lớn nhất thế giới, Zhang không chấp nhận ý tưởng cho rằng người tiêu dùng sẽ mua những hàng hóa xa xỉ qua các gian hàng trực tuyến. 

“Xung quanh chúng tôi là những trung tâm mua sắm hạng sang, nhà hàng 5 sao và những người giàu nhất Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường sự hiện diện của Silk Street ở khắp Trung Quốc trong 2 – 3 năm tới. Thậm chí, Silk Street có thể vươn tới thị trường Mỹ”, Zhang nói. 


Thu Hương

huongnt

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên